Đường dẫn truy cập

Biểu tình Hong Kong định hướng cho vận động tranh cử Đài Loan


Sinh viên biểu tình đòi dân chủ thiết lập một tàn cây đầy màu sắc bằng những chiếc dù bị gẫy tại trung tâm Hồng Kông.
Sinh viên biểu tình đòi dân chủ thiết lập một tàn cây đầy màu sắc bằng những chiếc dù bị gẫy tại trung tâm Hồng Kông.

Các cuộc biểu tình ồ ạt chống chế độ Trung Quốc ở Hong Kong đang định hình cho các cuộc vận động tranh cử ở Đài Loan. Đài Loan theo chế độ tự trị, nhưng nhiều công dân lo ngại Trung Quốc một ngày nào đó sẽ cai trị vì nước này đang thúc đẩy đòi thống nhất. Sự kiện đó đã gây áp lực lên đảng cầm quyền ở Đài Loan và đảng đối lập chống Trung Quốc nhiều hơn phải đưa ra những phát biểu mạnh bạo bênh vực người biểu tình Hong Kong. Từ Đài Bắc, thông tín viên VOA Ralph Jennings gửi về bài tường thuật sau đây.

Về quan hệ với Trung Quốc, các cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan vào tháng 11 sắp tới mang tính cách rất quan trọng. Thắng lợi của Quốc Dân Đảng sẽ giúp cho đảng cầm quyền giữ được chức tổng thống vào năm 2016 và sẽ là dấu hiệu cho thấy thêm 4 năm giao tiếp với Trung Quốc, là nước vẫn nhận chủ quyền và chung cuộc muốn sẽ lấy lại đảo quốc tự trị này.

Ngược lại, nếu như đảng Dân Tiến thắng vào tháng tới và năm 2016 thì các mối liên hệ với Trung Quốc có thể trở nên băng giá.

Chính trong bối cảnh này mà các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong sẽ có một tác động đối với chính sự ở Đài Loan và bang giao với lục địa Trung Quốc.

Một số người Đài Loan lo sợ sẽ lọt vào sự cai trị của Bắc Kinh nếu chính phủ của họ giao tiếp quá mật thiết với Trung Quốc. Ông Shane Lee, một nhà khoa học chính trị tại trường Đại học Cơ đốc giáo Chang Jung ở Đài Loan, nói rằng chính vì lý do đó mà tổng thống Đài Loan bị đặt dưới áp lực phải đưa ra một phát biểu mạnh bạo chống Trung Quốc vào lúc các cuộc biểu tình ở Hong Kong bước qua tuần lễ thứ hai.

“Dân chúng ngày nay thường sợ hãi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chiếm đóng Đài Loan hoặc bằng phương tiện chính trị hoặc bằng phương tiện kinh tế. Vì thế nếu tổng thống bây giờ tỏ ra quá yếu, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ còn quyết liệt hơn về vấn đề Đài Loan.”

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Al Jazeera hồi cuối tháng 9 rằng phổ thống đầu phiếu sẽ có lợi cho người dân Hong Kong và hình ảnh quốc tế của Trung Quốc. Hội đồng Hoa lục vụ của chính phủ ông kêu gọi Trung Quốc lắng nghe các yều cầu của dân chúng Hong Kong và tìm ra một sự đồng thuận.

Đảng đối lập Đài Loan tuần trước đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng điều họ gọi là lời hứa hẹn cho phép bầu cử dân chủ ở Hong Kong.

Hàng chục ngàn người đã biểu tình ở Hong Kong từ ngày 27 tháng 9 đòi phổ thông đầu phiếu để bầu ra vị hành chánh trưởng quan cho lãnh địa này vào năm 2017 và các nhà lập pháp vào năm 2020. Tiếp quản trung tâm tài chính từ tay Vương Quốc Anh vào năm 1997, Trung Quốc muốn có một uỷ ban gồm 1 ngàn 200 người, trong đó có nhiều người trung thành với Bắc Kinh, chọn ra trước các ứng cử viên.

Trung Quốc đã nhận chủ quyền Đài Loan kể từ sau cuộc nội chiến vào thập niên 1940, và nhất mực đòi hai bên cuối cùng sẽ tái thống nhất. Sau khi ông Mã Anh Cửu lên nắm quyền vào năm 2008, chính phủ của ông đã chấm dứt nhiều thập niên quan hệ băng giá với Trung Quốc Cộng sản bằng cách ngồi vào bàn họp và đạt được các hiệp ước kinh tế quan trọng. Đảng đối lập tán đồng một sự giao tiếp thận trọng hơn. Khi còn cầm quyền từ năm 2000 cho đến năm 2008, đảng này đã làm Bắc Kinh phẫn nộ qua việc vận động đòi cho Đài Loan được độc lập một cách chính thức tách khỏi Trung Quốc.

Hàng chục ngàn người đã biểu tình tại Đài Loan hồi tháng 3 và tháng 4 khi quốc hội sắp phê chuẩn một hiệp định thương mại về dịch vụ với Trung Quốc. Người biểu tình cho rằng thoả thuận sẽ đưa hai bên lại gần nhau một cách nguy hiểm bất chấp những lợi ích có thể có về mặt kinh tế. Sự biểu lộ thù nghịch đó đã làm trì hoãn việc phê chuẩn một cách vô thời hạn và phủ một bóng tối lên chính sách giao tiếp với Trung Quốc của Tổng thống Mã Anh Cửu.

Ông Trần Nhất Sinh, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại trường Đại học Tam Cương ở Đài Loan, nói cả hai đảng đều cảm thấy áp lực lúc này phải có một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc.

Giáo sư Trần nói có những lời nói bình thường có thể nhẹ nhàng và tế nhị hơn, nhưng khi cuộc bầu cử gần kề, thì cả Quốc Dân Đảng lẫn đảng Dân Tiến đều phải nói với một giọng điệu lớn hơn.

Tháng trước, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố ông tiên liệu thống nhất với Đài Loan dưới cùng một chế độ mà Bắc Kinh áp dụng cho Hong Kong. Đài Loan bác bỏ gợi ý đó, nhưng đang nghiên cứu liệu đã đến lúc mở một cuộc hội kiến lần đầu tiên giữa hai nguyên thủ ở Bắc Kinh vào tháng tới hay chưa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG