Chính phủ Đài Loan nói rằng bắt quả tang các công ty bán thực phẩm ô nhiễm sau vụ tai tiếng lần thứ ba về dầu ăn trong một năm nay là một ưu tiên hàng đầu. Thông tín viên VOA Ralph Jennings tường thuật từ Đài Bắc rằng những hành động bao che về dầu ăn bị pha chế bậy đã gây sợ hãi cho giới tiêu thụ vẫn cho rằng Đài Loan không có những vụ bê bối về thực phẩm.
Thủ tướng Đài Loan đã ra lệnh cho các bộ chính phủ tố cáo điều ông gọi là các nhà sản xuất thực phẩm tham nhũng.
Trong tháng này, chính phủ đã ngưng việc chế biến dầu ăn tại một nhà máy mà chính phủ nói là sử dụng dầu ăn để nuôi súc vật của Việt Nam rồi cho đó là thích hợp cho người ăn. Các giới chức đã cho phép nhập khẩn trương mỡ heo để bù cho các sản phẩm bị ô nhiễm.
Trong khi sự phẫn nộ của công chúng tăng cao về vụ bê bối dầu ăn gần đây nhất, ở mức độ bất thường đối với xã hội hiện đại của Đài Loan, thủ tướng của đảo quốc này cũng cam kết theo đuổi bất cứ nhà sản xuất nào khác làm ô nhiễm hay dán nhãn hiệu không đúng cho thực phẩm. Phát ngôn viên Nội các Đài Loan Tôn Lập Xuân nói các nhà sản xuất có dính líu đến những vụ bê bối đã lừa đảo để làm tiền.
Ông nói cạnh tranh giá cả có thể là một lý do chính của vấn đề. Ông nói thêm rằng các công ty lớn thiếu tinh thần trách nhiệm để mua nguyên vật liệu có chất lượng từ những nhà cung cấp tận gốc và họ biết về các thành phần trong dầu có vấn đề từ trước. Ông nói đây là một vấn đề mà công chúng không thể chấp nhận.
Tháng này, các công tố viên Đài Loan đã bắt đầu điều tra về đại công ty thực phẩm của Trung Quốc là Tập đoàn Quốc tế Ting Hsin về việc bán dầu ăn được cho là chứa dầu để làm thực phẩm gia súc. Giám đốc tập đoàn Ting Hsin, ông Wei Yin Chun đã xin lỗi Đài Loan hôm thứ bảy và hứa sẽ nhận lãnh trách nhiệm. Chính phủ Đài Loan tin rằng một chi nhánh của Ting Hsin và một nhà cung cấp kiểm soát 95 phần trăm thị trường mỡ ở Đài Loan. Công ty này cũng là nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất của Trung Quốc.
Các công tố viên tháng này bắt đầu điều tra một công ty chế biến thực phẩm khác có thể đã sử dụng các loại dầu công nghiệp.
Bà Liên Ngô Bình, một nội trợ 37 tuổi, đã thôi không mua hàng tại một tiệm bánh ở thị trấn nhà bởi vì công ty vừa kể cung cấp hàng cho cửa hiệu ấy.
Bà nói bà tự làm bánh ở nhà cho an toàn vì bà có thể kiểm soát nguồn các nguyên vật liêu và đã quay ra sử dụng dầu olive. Bà lo sợ rằng chính phủ đang xừ lý các vụ bê bối về dầu ăn theo một cách cho thấy có quá nhiều sự nhạy cảm đối với các quyền lợi kinh doanh và phát triển kinh tế, và rất khó tin tưởng được.
Một vụ bê bối về thực phẩm trước đây ở Đài Loan, phát hiện hồi tháng 9, có liên quan đến việc sử dụng ồ ạt dầu ăn làm bằng các chất thải từ bếp và các nguyên vật liệu kém chất lượng. Việc phát hiện đó, bắt nguồn từ một đơn khiếu nại của một nhà nông đã thu thập được bằng cớ riêng, dẫn tới những vụ thu hồi sản phẩm tác động đến 1.300 nhà hàng và công ty chế biến thực phẩm gây thất thu 165 triệu đôla.
Tháng 10 năm ngoái, một công ty Đài Loan cung cấp cho chi nhánh tập đoàn Ting Hsin là Công ty Thực phẩm Wei Chuan bị phát hiện thêm chất làm màu thực phẩm để làm cho các loại dầu ăn rẻ tiền trông giống như dầu olive và dầu hạt nho đắt tiền hơn.
Dây chuyền cung cấp dầu có thể vươn ra tới Hong Kong và Philippines.
Ông Andrew Tsai, kinh tế gia cho Công ty Chứng khoán KGI ở Đài Bắc, nói sự tin tưởng của người tiêu thụ sẽ sụt giảm nếu tiếp tục có những vụ bê bối, gây thiệt hại cho khu vực dịch vụ thực phẩm.
Các giới chức chính phủ nói các loại dầu ăn bị ô nhiễm không đề ra nguy cơ tức thời về sức khoẻ. Nhưng một hiệp hội nhà hàng với trên 100 ngàn thành viên đã bắt đầu tẩy chay tập đoàn Ting Hsin trong tuần này. Một số người tiêu thụ thường đi ăn ở ngoài để tiết kiệm thời gian hay gặp bạn bè nay đã quay ra nấu ăn ở nhà bằng dầu thực vật.