Đường dẫn truy cập

Thảm họa lũ lụt phơi bày nỗi sợ của Kim Jong Un về sức ảnh hưởng của Hàn Quốc


Nông dân Triều Tiên làm việc tại một hợp tác xã thuộc một khu vục bị thiệt hại vì bão lụt, tại tỉnh Nam Hwanghae, ngày 29/9/2011.
Nông dân Triều Tiên làm việc tại một hợp tác xã thuộc một khu vục bị thiệt hại vì bão lụt, tại tỉnh Nam Hwanghae, ngày 29/9/2011.

Trong lúc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang vật lộn để đối phó với lũ lụt tàn khốc ở đất nước mình, những lời lẽ gay gắt gần đây của ông đã phơi bày nỗi sợ của ông về ảnh hưởng của Hàn Quốc đối với dân chúng Triều Tiên, theo nhận định của giới phân tích tại Seoul.

Trong chuyến thăm một khu vực bị lũ lụt vào tuần trước, Kim đã chỉ trích các bản tin của Hàn Quốc về trận lũ lụt, tuyên bố các cơ quan truyền thông đã đưa tin giả về thiệt hại và số người chết.

Ông Kim cáo buộc truyền thông Hàn Quốc đã lan truyền tin đồn sai sự thật, gọi các bản tin là “âm mưu tuyên truyền” và “báng bổ” từ “một đất nước rác rưỡi”. Truyền thông Hàn Quốc loan tin ước tính có 1.500 người đã chết hoặc mất tích sau trận lũ lụt, trích dẫn các quan chức chính phủ Hàn Quốc giấu tên.

Mặc dù ông Kim thường đưa ra lời lẽ hiếu chiến, nhưng việc ông chỉ trích trực tiếp truyền thông Hàn Quốc lại rất hiếm. Em gái ông, Kim Yo Jong, thường đóng vai trò công kích bằng lời nói đối với Hàn Quốc.

Lo lắng về ảnh hưởng bên ngoài

Một số nhà phân tích cho biết việc ông Kim lên án truyền thông Hàn Quốc xuất phát từ nỗi lo lắng của ông về việc người dân Triều Tiên có thể tiếp cận nhiều hơn với thông tin bên ngoài.

Ông Cho Han-bum, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc do nhà nước điều hành tại Seoul, nói với VOA hôm 13/8 rằng nhờ công nghệ hiện đại, người dân Triều Tiên ngày nay dễ dàng tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài hơn.

Theo ông Cho, hiện nay có khoảng 34.000 người đào tẩu Triều Tiên tại Hàn Quốc. Con số này tăng 23,6% so với cuối năm 2014, khi đó có 27.500 người, theo dữ liệu từ Bộ Thống nhất Hàn Quốc.

“Nhiều người trong số họ vẫn thường xuyên nói chuyện với gia đình ở Triều Tiên qua điện thoại”, ông Cho nói. “Thông tin từ Hàn Quốc có xu hướng lan truyền nhanh hơn qua mạng nội bộ bên trong Triều Tiên, mặc dù mạng internet kết nối với thế giới bên ngoài bị chặn”.

Ông Cho cho biết thêm rằng hiện nay, chính quyền Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn hơn trong việc kiểm soát luồng thông tin so với trước đây.

Ông Nam Sung-wook, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul, cho biết việc mở lại biên giới giữa Triều Tiên với Trung Quốc trong thời kỳ hậu COVID-19 đã cho phép nhiều thông tin hơn vào nơi thường được gọi là “Vương quốc ẩn dật”.

“Những người sống gần khu vực biên giới Trung Quốc sẽ có thể nắm bắt được tin tức nước ngoài”, ông Nam nói với VOA qua điện thoại hôm 13/8. “Họ hẳn phải rất buồn khi phát hiện ra sự bất lực của chế độ trong việc giải quyết thảm họa, và ngược lại, chế độ này đang cố gắng kiềm chế sự bất mãn như vậy”.

Ông Nam cho biết Hàn Quốc luôn là mục tiêu dễ dàng để chế độ Triều Tiên coi là nguồn tin giả. Ông nói Triều Tiên sẽ ngần ngại đổ lỗi cho Trung Quốc, ân nhân lâu năm của mình, mặc dù có khả năng một số người Triều Tiên đã nghe từ phía Trung Quốc bên kia biên giới dọc theo sông Áp Lục về trận lũ lụt đã ảnh hưởng đến cả hai nước.

Ông Cha Doo-hyun, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, cho biết ông Kim có thể lo sợ rằng sự bất lực của mình sẽ bị nêu bật nếu ông chấp nhận sự hỗ trợ từ Hàn Quốc, quốc gia đã đưa ra lời đề nghị vào đầu tháng này nhưng ông Kim đã từ chối.

“Đối với ông Kim, các bản tin về lời đề nghị từ các quốc gia khác chỉ nhấn mạnh rằng chế độ Kim không có đủ năng lực để xử lý tình hình”, ông Cha nói với VOA qua điện thoại hôm 13/8. “Và đó là lý do khiến ông Kim Jong Un phản ứng với phương tiện truyền thông Hàn Quốc thậm chí còn thách thức hơn”.

Từ chối viện trợ

Trong bài phát biểu tuần trước, ông Kim cũng nhấn mạnh rằng Triều Tiên sẽ “tự đi tiên phong bằng sức mạnh và nỗ lực của mình”, đồng thời thừa nhận rằng một số quốc gia và tổ chức quốc tế đã đề nghị giúp đỡ Triều Tiên.

Phát biểu của ông Kim cho thấy chế độ này sẽ từ chối chấp nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào từ bên ngoài.

Ông Lim Eul-chul, phó giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở Changwon, Hàn Quốc, nói với VOA qua điện thoại vào ngày 13/8 rằng ông Kim đang cố gắng làm mất uy tín của truyền thông Hàn Quốc.

“Ông Kim Jong Un đã xác định một mối quan hệ mới với Hàn Quốc và đang tìm kiếm sự thống nhất nội bộ trong khi leo thang sự thù địch đối với Hàn Quốc”, ông Lim nói. “Ông ấy không thể nhận viện trợ nhân đạo do Hàn Quốc đề nghị trong tình huống này, vì vậy tôi nghĩ ông Kim đang sử dụng tin tức của truyền thông Hàn Quốc làm cái cớ để hạ thấp kỳ vọng về viện trợ nhân đạo mà Hàn Quốc sẵn sàng cung cấp”.

Ông Lim nói thêm rằng ông Kim đang lợi dụng thảm họa thiên tai để hạn chế rộng rãi hơn ảnh hưởng của Hàn Quốc đối với người dân Triều Tiên.

Chính phủ Hàn Quốc diễn giải những phát biểu của ông Kim về truyền thông của quốc gia này là nỗ lực của ông nhằm “giảm thiểu tình cảm của công chúng chống lại chế độ” bằng cách chỉ trích ra bên ngoài.

Triều Tiên đang “chuyển chủ đề chỉ trích ra bên ngoài”, ông Koo Byoung-sam, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nói trong một cuộc họp báo đầu tháng này.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG