Triều Tiên đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị chính trị lớn để thảo luận về “nhiệm vụ cấp bách” là cải thiện ngành nông nghiệp của nước này, một dấu hiệu có thể cho thấy tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng trầm trọng khi quốc gia bị cô lập về kinh tế đang trong bối cảnh đẩy mạnh vũ khí hạt nhân.
Hãng thông tấn trung ương chính thức của Triều Tiên cho biết hôm thứ Hai (6/2) rằng các thành viên của Bộ Chính trị Đảng Lao động cầm quyền đã họp vào Chủ nhật và đồng ý tổ chức một cuộc họp toàn thể lớn hơn của Ủy ban Trung ương đảng vào cuối tháng Hai để xem xét các chiến lược về nông nghiệp và đặt ra các mục tiêu mới.
Tin cho hay các thành viên Bộ Chính trị thừa nhận “cần có một bước ngoặt để tích cực thúc đẩy sự thay đổi căn bản trong phát triển nông nghiệp”.
“Nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp bách là thiết lập chiến lược đúng đắn cho phát triển nông nghiệp và thực hiện các biện pháp thích hợp cho việc trồng trọt ngay lập tức… để thúc đẩy sự phát triển tổng thể của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”, KCNA đưa tin.
Cuộc họp của Bộ Chính trị Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh có những dấu hiệu cho thấy nước này đang chuẩn bị tổ chức một cuộc duyệt binh lớn ở Bình Nhưỡng, có thể là trong tuần này, để tôn vinh sự cai trị của nhà lãnh đạo Kim Jong Un và bộ sưu tập vũ khí có khả năng hạt nhân ngày càng tăng của ông, mà ông đã ráo riết thúc đẩy mở rộng bất chấp nguồn lực hạn chế và suy thoái kinh tế.
Lee Sung-jun, người phát ngôn của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, cho biết quân đội Hàn Quốc đã phát hiện “hoạt động gia tăng liên quan đến các cuộc tập luyện (diễu hành)” ở miền Bắc, nhưng từ chối chia sẻ đánh giá cụ thể về thời điểm diễn ra sự kiện.
Theo AP, mặc dù không phải là chưa từng có, nhưng việc Triều Tiên tổ chức hai cuộc họp toàn thể khác nhau của đảng trong khoảng thời gian chỉ hai tháng là điều không bình thường.
Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Koo Byoungsam nói trong một cuộc họp báo rằng hiếm khi Triều Tiên triệu tập một cuộc họp toàn thể về một chương trình nghị sự duy nhất, lần này là về nông nghiệp.
“Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình lương thực và xu hướng nội bộ của Triều Tiên”, ông Koo nói. Ông cho biết Hàn Quốc ước tính sản lượng lương thực của Triều Tiên đã giảm khoảng 4% vào năm 2022 xuống còn 4,5 triệu tấn.
Sau sự sụp đổ của các cuộc đàm phán hạt nhân với Hoa Kỳ vào năm 2019, ông Kim tuyên bố sẽ tăng cường chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của mình trước các biện pháp trừng phạt và áp lực “kiểu xã hội đen” của Hoa Kỳ, đồng thời thúc giục quốc gia của mình kiên cường trong cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ kinh tế.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 đã gây thêm cú sốc cho nền kinh tế vốn đã suy sụp của Triều Tiên, buộc quốc gia này phải bảo vệ hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém của mình bằng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, bóp nghẹt hoạt động thương mại với Trung Quốc, đồng minh chính và huyết mạch kinh tế của nước này.
Triều Tiên cũng phải hứng chịu những trận bão và lũ lụt tàn khốc vào năm 2020 khiến mùa màng bị tàn phá.
Trong một nghiên cứu được công bố trên trang web 38 North chuyên về Triều Tiên vào tháng trước, nhà phân tích Lucas Rengifo-Keller cho biết tình trạng mất an ninh lương thực ở Triều Tiên có thể đang ở mức tồi tệ nhất kể từ nạn đói ở nước này vào những năm 1990 khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Rất khó để có một đánh giá chính xác về nhu cầu nhân đạo của Triều Tiên trong điều kiện khép kín của chế độ và các số liệu thống kê hạn chế và yếu kém mà nước này tiết lộ. Tuy nhiên, những ước tính về cân bằng ngũ cốc của Triều Tiên do các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các chính phủ bên ngoài đưa ra cũng như giá gạo và ngô có thể tăng mạnh mà các tổ chức phi chính phủ và truyền thông quan sát được cho thấy “nguồn cung lương thực của nước này có thể không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của con người”, ông Rengifo-Keller viết.
Cuộc chiến của Nga với Ukraine có khả năng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn bằng cách đẩy giá lương thực, năng lượng và phân bón toàn cầu lên cao, những mặt hàng mà sản xuất nông nghiệp của Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều.
“Nói một cách đơn giản, Triều Tiên đang trên bờ vực của nạn đói”, ông Rengifo-Keller nhận định.
Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên cũng đã tổ chức một cuộc họp toàn thể vào tháng 12, khi ông Kim tăng gấp đôi tham vọng hạt nhân của mình bằng cách kêu gọi “tăng theo cấp số nhân” các đầu đạn hạt nhân, sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật nhắm vào đối thủ Hàn Quốc, và phát triển những tên lửa tầm xa mạnh hơn để vươn tới lục địa Hoa Kỳ.
Cũng trong cuộc họp nhằm xác định các dự án kinh tế trọng điểm cho năm 2023, các đảng viên cũng nêu bật các hoạt động về nông nghiệp và xây dựng.
Diễn đàn