Khi cảnh sát Thái bắt giữ Noor Mahmood hồi tháng 5 tại phi trường Suvarnabhumi ở Bangkok, họ phát hiện gần như một sở thú quy tụ các chủng loài có nguy cơ diệt chủng trong hành lý của ông ta.
4 con báo nhỏ, một con gấu sơ sinh, một con khỉ và một con đười ươi má đỏ đã được phát hiện bị cho uống thuốc ngủ và nhốt trong những cái chuồng nhỏ.
Vụ việc này là một thành quả nổi bật của các nhân viên bài trừ việc buôn bán lậu các con thú ngày càng phát đạt tại Thái Lan, nhưng thành quả này đã tỏ ra không kéo dài được bao lâu.
Mahmood là một công dân của Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE, đã được tha có điều kiện sau khi đóng 6.600 đôla tiền thế chân để chờ ngày ra tòa. Nhưng cảnh sát nói bất kể các cáo trạng, họ được biết là ông ta đã được trao trả hộ chiếu và được phép rời Thái Lan. Ông Steven Galster là giám đốc Quỹ Freeland, một tổ chức bài trừ buôn bán người và dã sinh có trụ sở ở Bangkok. Ông nói dường như các quan hệ chính trị của Mahmood đã giúp ông ta bỏ trốn, biến công tác khó nhọc của đơn vị bí mật thành một trò cười.
Ông Galster nói: “Ông ta được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Tiểu vương Quốc Ả Rập Thống nhất và của một nhà chính trị Thái, và có thể của một số sĩ quan bên ngoài đơn vị đó, mà trong tuần qua đã tiếp tay cho ông ta. Họ lấy lại hộ chiếu cho ông ta, và thế là ông ta lẳng lặng vi phạm lệnh tha có điều kiện và rời khỏi nước. Vậy là chúng tôi không hài lòng lắm về sự việc này.”
Một người phát ngôn của Đại sứ quán UAE thừa nhận rằng các giới chức đã giúp Mahmood lấy lại hộ chiếu nhưng nói đó là thủ tục bình thường cho bất cứ công dân nào bị bắt giữ. Các giới chức tại đại sứ quán và tại Bộ Ngoại giao UAE ở Abu Dhabi đã từ chối không bình luận về các cáo giác cho rằng các nhà ngoại giao đã đóng một vai trò trong việc giúp Mahmoud bỏ trốn khỏi Thái Lan.
Thiếu tá Cảnh sát Thammawat thuộc phân bộ Tài nguyên và Môi trường Quốc gia và đơn vị đã bắt Mahmood. Ông nói Mahmood dường như thuộc một đường dây buôn lậu được nhiều sự tài trợ và có liên hệ chính trị vẫn còn đang bị điều tra. Ông nói các nhà ngoại giao cũng bị điều tra nhưng không tiết lộ quốc tịch của những người nước ngoài.
Ông Thammawat nói trong chiến dịch bắt giữ Mahmood, họ đã theo dõi sát ông ta khi ông ta qua các thủ tục kiểm tra ở phi trường và ông không mang theo những túi chứa các con thú cho đến khi qua bộ phận kiểm soát di trú. Ông nói Mahmood chắc hẳn đã có được sự giúp đỡ để các con thú này lọt qua an ninh phi trường.
Ông Thammawat nói tiếp: “Ai vậy? Tôi không biết, lúc này thì tôi chưa biết ai đã đưa hai hành lý qua bộ phận quang tuyến X. Cái người đã lấy hành lý, ở một khâu nào sau khi qua X ray, sau khi qua bộ phận kiểm soát di trú.”
Ông Thammawat nói họ còn chờ giới hữu trách phi cảng cung cấp hình ảnh thu được qua máy hình theo dõi an ninh vào ngày ông ta bị bắt, là tài liệu có thể cho thấy làm cách nào hành lý lọt qua lưới an ninh.
Ông nói Mahmood đi máy bay hạng nhất với ít nhất một đồng lõa tìm cách bỏ trốn trên chuyến bay của hãng hàng không Tiểu vương Quốc Ả Rập. Ông nói hãng hàng không này đã từ chối không cung cấp danh sách hành khách.
Cảnh sát cho hay khi bị bắt, Mahmood đã khoe các hình ảnh trên máy điện thoại di động của ông ta chụp chung với cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra để cho thấy anh ta có quen biết với những người có thế lực.
Ông Thaksin đã bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006 và hiện sống lưu vong ở Dubai để khỏi bị án tù về tội tham nhũng.
Ông Galster nói việc phóng thích Mahmood cho thấy tại Thái Lan những người có tiền và có thế lực vẫn không bị trừng phạt nếu phạm luật. Ông nói mặc dù hàng trăm tay buôn lậu dã sinh đã bị bắt trong thập niên vừa qua, và hình phạt tối đa là 4 năm tù giam, chỉ có một tay bị tuyên án tù.
Ông Galster nói tiếp: “Các hình phạt rất yếu ớt. Hắn ta có thể quay ra bán chỉ một trong những con thú với giá 10 ngàn đôla Mỹ. Tiền nộp phát chỉ vào khoảng 1200 đến 1300 đôla. Do đó, vì biết là không ai phải đi tù nên họ sẵn sàng đánh liều.”
Ông Galster nói một bộ luật tăng các hình phạt về buôn bán dã sinh đã được soạn thảo cách đây 8 năm nhưng các nhà lập pháp Thái chưa thỏa luận việc đưa vào thực thi. Với những hình phạt nhẹ như thế, ông nói Thái Lan vẫn còn là một trung tâm cho việc buôn bán lậu dã sinh.
Tính đến hôm nay, cảnh sát bài trừ buôn lậu dã sinh đã có một vụ việc mới để điều tra. Các giới chức hải quan Thái cho hay hàng trăm con rắn đã được phát hiện bên trong hành lý không có người nhận từ Bangladesh để lại phi trường Bangkok. Các con thú sống gồm những con rùa có nguy cơ tuyệt chủng trị giá 33.000 đôla và hải quan nói có phần chắc những con vật này sắp được đưa ra thị trường Bangkok.
Cảnh sát ở Thái Lan cho hay một người bị cáo buộc là buôn lậu dã sinh bị bắt tại phi trường hồi tháng trước cùng với nhiều loài thú có nguy cơ tuyệt chủng còn sống dấu trong hành lý của ông ta đã vi phạm lệnh tạm tha có điều kiện và bỏ trốn khỏi nước. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf tường thuật về một vụ việc mà những người hoạt động nói là nêu bật các khó khăn trong việc ngăn chặn các tay buôn lậu thú có nhiều quen biết trong giới chính trị.