Chính phủ Thái Lan đã thả gần 100 người tỵ nạn thiểu số Hồi giáo Ahmadiyah sau 6 tháng giam giữ. Nhóm nay đã bỏ trốn khỏi cảnh đàn áp ở Pakistan và bị bắt ở Bangkok.
96 người tỵ nạn Hồi giáo thiểu số người Pakistan, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, hết sức vui mừng khi cảnh sát Thái Lan cho họ ra khỏi một trại tạm giam ở Bangkok, sau khi đóng tiền thế chân.
Ông Rana Haroon Siddique là một trong những người vừa được thả.
Ông Siddique nói: "Chúng tôi vui mừng và cảm ơn vương quốc Thái Lan. Chúng tôi không biết nói gì hơn. Chúng tôi chỉ biết cảm ơn nhiều.”
Ông này và những người trong nhóm được tự do sau khi một tổ chức bênh vực người tỵ nạn của Thái Lan làm việc với các người Hồi giáo thuộc phái Ahmadiyah và với các nhóm nhân quyền khác, vận động để trả hơn 150 ngàn đôla đóng tiền thế chân cho cả nhóm.
Nhóm này trốn từ Pakistan sang Thái Lan vì ở Pakistan họ bị xem là những người dị giáo, không phải Hồi giáo chính thống.
Nhà chức trách Thái Lan đã bắt giữ nhóm 96 người này sau nhiều cuộc càn quét di trú, trải dài từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 2 năm nay.
Trong nhóm có nhiều phụ nữ và hơn 30 trẻ em. Một phụ nữ đã sinh con trong thời gian bị giam.
Các nhóm bênh vực người tỵ nạn nói rằng nhóm này bị giam trong điều kiện thiếu vệ sinh và chật chội. Họ phải ở trong một phòng 150 người trong khi phòng đó chỉ có thể chứa tối đa 40 người.
Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc hoan nghênh sự kiện này. Nữ phát ngôn viên Kitty McKinsey của cơ quan này nói lẽ ra không nên bắt những người này ngay từ đầu.
Bà McKinsey nói: “Chúng tôi xin chào mừng tất cả những người vừa được thả. Trại giam về di trú không phải là chỗ nhốt những người này, nhất là những người già cả, đau yếu, trẻ em và trẻ sơ sinh. Chúng tôi hoan nghênh bất kỳ biện pháp nào giúp trả tự do cho người tỵ nạn. Chúng tôi nghĩ rằng ngay từ đầu, không nên giam giữ người tỵ nạn chỉ vì họ là người tỵ nạn.”
Phát ngôn viên McKinsey còn nói rằng Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đang làm việc với nhóm này để xúc tiến thủ tục xin tỵ nạn. Bà cho biết ngoại trừ hai người, số người còn lại đều được Liên Hiệp Quốc công nhận là người tỵ nạn.
Thái Lan không công nhận người tỵ nạn, do đó bất cứ ai không có giấy tờ hợp lệ đều bị bắt và khởi tố.
Trung tướng Cảnh sát Wiboon Bangthamai, Giám đốc cơ quan di trú Thái Lan không tỏ ý cho thấy nhà chức trách có kế hoạch nới lỏng chính sách di trú khắt khe này, nhưng ông nói nếu có đối thoại với các nhóm bênh vực thì thủ tục giải quyết số người này sẽ nhanh hơn.
Ông Wiboon nói: “Theo luật, nếu họ đã nhập cảnh bất hợp pháp thì sẽ bị bắt, nhưng nhà chức trách Thái Lan sẽ tiếp tuc làm việc với các tổ chức nhân quyền để giải quyết.”
Trong khi được tự do tạm, những người Hồi giáo Ahmadiyah sẽ được tạm trú tại Bangkok cho đến khi có quyết định đi định cư tại một nước thứ ba.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1