Thái Lan hôm 16/12 cho biết họ sẽ tổ chức hai cuộc họp khu vực về Myanmar trong tuần này, trong đó có ít nhất một cuộc họp có đại diện của chính quyền quân sự, trong khi Thủ tướng Malaysia cho biết đang có những nỗ lực đưa Myanmar trở lại vị thế hàng đầu của ASEAN.
Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa sẽ tổ chức các cuộc tham vấn riêng vào ngày 19 và 20 tháng này, sau khi Thái Lan đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán không chính thức vào tháng 10 để cố gắng tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng đã kìm hãm Myanmar kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2021.
Đại diện từ Myanmar sẽ tham gia cuộc họp vào ngày 19/12, mà người phát ngôn Bộ ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết sẽ là cuộc tham vấn không chính thức về an ninh biên giới và tội phạm xuyên quốc gia.
Đại diện từ Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Lào và Thái Lan – tất cả những nước có chung biên giới với Myanmar – cũng sẽ tham dự.
Ông Nikorndej cho biết rằng vào ngày 20/12, sẽ có một cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao về Myanmar dành cho "các thành viên quan tâm" của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), bao gồm thảo luận về kế hoạch "Đồng thuận Năm Điểm" của ASEAN về hòa bình tại quốc gia này.
Hiện chưa rõ Myanmar có đại diện nào tại cuộc họp vào ngày 20/12 hay không và nếu có thì ở cấp độ nào.
Kể từ cuộc đảo chính, ASEAN đã phớt lờ các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar bằng cách chỉ mời các đại diện phi chính trị từ quốc gia này đến các cuộc họp khu vực của các nhà lãnh đạo và bộ trưởng ngoại giao.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, người sẽ chủ trì ASEAN vào năm 2025, cho biết hôm 16/12 rằng ông cam kết thực hiện kế hoạch hòa bình của ASEAN. Kế hoạch này đã đạt được rất ít tiến triển kể từ khi được đưa ra vào tháng 4/2021 ngay sau cuộc đảo chính.
"Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp thông qua các cuộc đối thoại không chính thức ở các cấp độ khác nhau để đảm bảo Myanmar tham gia và đưa Myanmar trở lại vị thế hàng đầu của ASEAN", ông Anwar cho biết tại một cuộc họp báo chung ở Kuala Lumpur với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, mà không giải thích thêm.
Indonesia cho biết bộ trưởng ngoại giao của nước này sẽ tham dự cuộc họp ngày 20/12.
Tình hình hỗn loạn đã diễn ra ở Myanmar kể từ khi cuộc đảo chính quân sự năm 2021 châm ngòi cho một cuộc nổi loạn trên toàn quốc và một cuộc nội chiến đã tàn phá quốc gia 55 triệu dân này.
Tại một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 10, ASEAN đã kêu gọi "chấm dứt ngay lập tức" bạo lực và tạo ra "môi trường thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo và đối thoại toàn diện tầm quốc gia" do "Myanmar cho phép và lãnh đạo".
Diễn đàn