Đề nghị gần đây của Trung Quốc về việc thành lập một công ty an ninh chung với chính quyền quân sự Myanmar đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ những người coi đây là sự xâm phạm chủ quyền quốc gia và là dấu hiệu cho thấy chính quyền quân sự Myanmar không có khả năng đảm bảo an ninh.
Theo một bản tin trên tờ Myanmar Gazette phát hành ngày 8 tháng 11, chính quyền quân sự đã thành lập một ủy ban gồm 13 thành viên hôm 22 tháng 10 để xem xét đề nghị của Trung Quốc và soạn thảo biên bản ghi nhớ cho liên doanh.
Ủy ban đã đánh giá các khía cạnh hậu cần của bản dự thảo MOU, chẳng hạn như nhập khẩu vũ khí và thiết bị an ninh, đồng thời đảm bảo kế hoạch này không phá hoại chủ quyền của Myanmar.
Các nhà quan sát Myanmar tin rằng đề nghị này có thể được thúc đẩy bởi vụ đánh bom tòa lãnh sự của Trung Quốc tại Mandalay vào ngày 18 tháng 10, làm nổi bật mối quan ngại ngày càng tăng của Bắc Kinh về các khoản đầu tư của mình vào môi trường chính trị bất ổn của Myanmar.
Câu hỏi về chủ quyền và an ninh
“Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc tại Myanmar là sự ổn định cho các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường”, theo một học giả Myanmar yêu cầu giấu tên vì lo ngại về an toàn cho gia đình ông tại Myanmar. “Việc chính quyền quân sự không kiểm soát được cuộc cách mạng đã buộc Trung Quốc phải tìm kiếm các biện pháp thay thế”, ông nói thêm.
Học giả này giải thích rằng vì Hiến pháp năm 2008 của Myanmar, do quân đội soạn thảo, cấm triển khai quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình, nên việc nhắc đến một “công ty” Trung Quốc trong liên doanh được đề nghị là một động thái chiến lược “để tránh cáo buộc can thiệp quân sự”.
“Nhưng công chúng coi đó là hành vi vi phạm chủ quyền, và ngay cả chính quyền quân sự cũng sẽ không thoải mái với sự tham gia công khai như vậy của Trung Quốc”, ông nói.
Đề nghị này cho thấy Bắc Kinh không tin tưởng vào khả năng duy trì quyền kiểm soát và an ninh của chính quyền quân sự.
Thiếu kiểm soát của chế độ
Các dự án của Trung Quốc theo Hành lang kinh tế Trung Quốc-Myanmar (CMEC), bao gồm cả đường ống dẫn dầu và khí đốt, đã phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng kể từ khi phe đối lập tuyên bố “Chiến tranh Phòng vệ của Nhân dân” vào năm 2021.
“Những hạn chế của cả Hội đồng Quản trị Nhà nước và Chính phủ Đoàn kết Quốc gia đã gây phương hại cho CMEC”, ông Kyi Sin, một viên chức nghiên cứu tại Viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết. Trong bài báo của mình có tên Bảo vệ Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Myanmar: Điều hướng xung đột và sự hoài nghi của công chúng, ông Kyi đã trích dẫn vụ tấn công của Lực lượng Phòng vệ Nhân dân địa phương vào tháng 1 năm 2022 vào nhà máy chế biến nikel Tagaung Taung trị giá 800 triệu đô la là một ví dụ điển hình.
Theo ông Jason Tower, giám đốc quốc gia Myanmar tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, quân đội Myanmar đã cho thấy dấu hiệu suy yếu quyền kiểm soát.
Mandalay, thành phố lớn thứ hai của đất nước và là một trung tâm thương mại lớn, là nơi xảy ra vụ tấn công vào ngày 18 tháng 10, xảy ra vào ban ngày, làm dấy lên câu hỏi về năng lực an ninh của chế độ. Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng, nói rằng họ “vô cùng sốc trước vụ tấn công và lên án mạnh mẽ vụ việc”.
Hành động cân bằng của Trung Quốc và những thách thức ngày càng gia tăng
Theo ông Thomas Kean, cố vấn cấp cao về Myanmar và Bangladesh tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, sự can dự của Trung Quốc vào Myanmar kể từ cuộc đảo chính năm 2021 là một hành động cân bằng tinh tế. Trong khi Bắc Kinh đã cung cấp hỗ trợ kinh tế, ngoại giao và quân sự cho chính quyền quân sự, họ cũng duy trì mối quan hệ với các tổ chức vũ trang dân tộc và các nhóm đối lập, nhấn mạnh lợi ích chiến lược của mình trong sự ổn định.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của Bắc Kinh đã thay đổi khi quân đội Myanmar mất quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ quan trọng.
Ông Kean nói “Họ không muốn chứng kiến sự sụp đổ hỗn loạn ở Myanmar; họ cảm thấy buộc phải can dự”. “Đó không phải là điều họ muốn làm. Giống như vài năm đầu sau cuộc đảo chính, họ thực sự cố gắng không can dự quá nhiều. Và tôi nghĩ đó là lập trường ưa thích của họ”.
Ông Kean giải thích rằng sự hỗ trợ quân sự gần đây của Trung Quốc, bao gồm cả việc cung cấp máy bay chiến đấu, phản ánh mối lo ngại của nước này về việc chính quyền quân sự không thể duy trì trật tự. Mặc dù sự tham gia này nhằm mục đích bảo vệ các khoản đầu tư và dự án của Trung Quốc, nhưng nó đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ người dân Myanmar và các nhóm kháng chiến, khiến lập trường của Bắc Kinh trở nên phức tạp hơn.
“Quyền kiểm soát của quân đội có phần mong manh,” ông Kean nói.
Lực lượng của chính quyền quá dàn trải
Ông Abdul Rahman Yaacob, một chuyên gia an ninh về Đông Nam Á và là nghiên cứu viên tại Viện Lowy, đã nhấn mạnh đến năng lực quân sự và an ninh quá dàn trải của chính quyền quân sự Myanmar.
“Thực tế là lực lượng chính quyền quân sự quá dàn trải”, ông Yaacob nói. “Đó là lý do tại sao họ đang xem xét việc gọi nhập ngũ để hỗ trợ cho số lượng. Nhưng số lượng không có nghĩa là bạn có chất lượng tốt. Chính quyền quân sự đang chiến đấu trên nhiều mặt trận ở phía nam, phía bắc và khu vực biên giới. Trên thực tế, họ không có đủ lực lượng để đảm bảo an ninh toàn diện”.
Ông lưu ý đến sự thay đổi đáng kể trong động lực của cuộc xung đột. “Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là các nhóm đối lập hoặc phiến quân có thể bắt đầu hoạt động trong khu vực thành phố, nhắm vào các lợi ích của chính phủ ở đó,” ông Yaacob cho biết.
Một tương lai phức tạp
Trong khi việc chính quyền quân sự không thể đảm bảo an ninh làm nổi bật sự suy yếu của họ, các chuyên gia cảnh báo rằng việc đưa lực lượng an ninh Trung Quốc vào có thể làm phức tạp thêm bối cảnh chính trị của Myanmar.
“Công ty an ninh chung, mà họ đề nghị, đề ra những thách thức cho cả lực lượng cách mạng và các tổ chức vũ trang dân tộc”, học giả Myanmar nói. “Điều quan trọng là các nhóm đối lập phải chuẩn bị cho kịch bản này”.
Khi Trung Quốc gia tăng sự can dự của mình vào Myanmar, họ có nguy cơ xa lánh không chỉ công chúng mà còn cả các cường quốc khu vực như Ấn Độ. Câu hỏi vẫn còn là liệu Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu ổn định mà không bị vướng vào cuộc xung đột của Myanmar hay không.
“Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc lợi ích kinh tế của mình trong dài hạn so với nhu cầu hỗ trợ chính quyền quân sự trong ngắn hạn và trung hạn”, ông Yaacob nói.
Diễn đàn