2017, dù kinh tế khó khăn, người dân trong nước cố gắng gượng dậy để đón năm mới Mậu Tuất với nhiều kỳ vọng cho một cuộc sống sung súc, ấm no, giảm tham nhũng, và xóa bỏ độc tài. Phóng viên VOA Việt Ngữ trò chuyện cùng một số người dân từ các vùng miền trên cả nước về không khí đón Tết Nguyên Đán. Mời độc giả cùng theo dõi.
Từ đầu tháng Chạp, tại quận Tây Hồ, Hà Nội, người dân bắt đầu đến nhà vườn trồng đào để tham quan và lựa cho mình cây đào ưng ý nhất chuẩn bị đón Tết, hay chụp ảnh lưu niệm khoảnh khắc Xuân cùng người thân. Năm nay, với thời tiết lạnh vừa phải, ông Hiệp Vụ, chủ vườn đào cùng tên ở Tây Hồ kỳ vọng chất lượng hoa năm nay sẽ “tốt hơn năm ngoái và khách hàng đến vườn đào năm nay cũng sẽ đông hơn.”
Tôi cầu mong đất nước Việt Nam sẽ có nhiều người trẻ ý thức được hơn và bộc lộ tiếng nói của mình, vì tình hình chính trị ở Việt Nam không được tốt lắm.Một thanh niên Bình Thuận đang học tại Sài Gòn
“So với mọi năm thì năm nay xu hướng người dân Thủ Đô đến tham quan vườn đào và bật gốc mua đào nhiều hơn và sớm hơn. Chất lượng hoa đào năm nay cũng tốt hơn do thời tiết đang ủng hộ.”
Ông chủ vườn đào cho biết những cây đào thế, đào lâu năm, đào tạo hình Khuyển có giá hàng chục triệu đồng phải cần đến cần cẩu để vận chuyển khi có người đến hỏi mua.
“Nhà vườn của tôi có rất nhiều đào, là vườn đào điển hình của khu làng đào truyền thống Nhật Tân, quận Tây Hồ. Sản phẩm đa dạng từ cây mini bonsai nhỏ đến cây to phải dùng đến cần cẩu để vận chuyển.”
Nhiều người mua đào để chưng trong nhà, nhưng cũng có không ít cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp mua đào biếu nhau trong dịp Tết.
Tuy nhiên, vào tháng trước, Ban Bí Thư Trung Ương ra chỉ thị nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, hay cấp trên "tranh thủ" cấp dưới với mọi hình thức, và đương nhiên trong đó có việc cấm tặng hoa đào. Nhưng có lẽ chỉ thị của lãnh đạo Hà Nội sẽ không làm cho những hộ kinh doanh Tết như nhà vườn Hiệp Vụ thất thu.
Những người ở xa, như ở miền Trung, miền Bắc thì rất tội cho họ. Những năm trước họ nghỉ Tết đến 9 ngày, nhưng năm nay nghỉ có 7 ngày, và sau đó doanh nghiệp có thể dựa vào hợp đồng, vào tình hình chung mà cho công nhân nghỉ làm.Đoàn Huy Chương
Khác với quy mô hoa Tết rộng lớn như nhà vườn Hiệp Vụ hay lượng khách hàng hạng sang ở thủ đô Hà Nội, nhà vườn ông Sáu Quí ở làng hoa cái Mơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, thuộc đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có vài chục chậu mai vàng, và kiểng tạo hình rồng và khuyển phục vụ cho người dân địa phương.
Dù có đặc tính khác nhau, điểm chung của hoa đào phương Bắc cũng như hoa mai phương Nam là tinh hoa của Ngũ Hành, có thể xua đuổi bách quỷ, mang đến cho con người cuộc sống bình an, hạnh phúc, làm ăn thuận lợi, phát tài, gia đình vui vẻ.
“Hai vợ chồng cũng ráng làm sao để nuôi tụi nhỏ ăn học đàng hoàng, có dư chút ít” là niềm mong mỏi của ông Sáu Quí. Ông nói gia đình có 4 công đất, cũng tạm nuôi sống cho bốn người: “Năm nay làm kiểng cũng hơi ít, hy vọng kiếm được khoảng 40-50 triệu. Ngoài ra, gia đình còn bán tạp hóa, trồng cam, bưởi, kiếm mỗi thứ một mớ. Bốn công đất vừa đủ để lo hai đứa con ăn học.”
Ông Sáu Quí nói rằng tuy với thu nhập gia đình ít ỏi nhưng vợ chồng ông vẫn cố gắng nuôi cho hai người con học đại học tại thành phố Cần Thơ và Vĩnh Long, chứ nếu cả hai cùng học ở thành phố Hồ Chí Minh thì ông khó bề lo xuể.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi có chi phí sinh hoạt đắt nhất nước và cũng là nơi thu hút hàng triệu lao động đến từ các tỉnh, cuộc sống của công nhân dịp Tết cổ truyền càng thêm khó khăn do tình hình kinh tế năm qua không khởi sắc, cộng thêm áp lực cuộc sống đô thị và hơn nữa, vé xe về quê ăn Tết tăng mạnh trong khi thưởng Tết lại không cao.
Ông Đoàn Huy Chương, đại diện Phong Trào Lao Động Việt, nói với VOA rằng tiền thưởng Tết năm nay của công nhân nhiều khả năng bị bắt bớt: “Thông qua một số anh em ở công ty như Pouyuen Biên Hòa, Pouyuen Tân Tạo, khu Công nghiệp Tân Hương, hay các khu công nghiệp ở Bình Dương cho biết năm nay kinh tế khó khăn, doanh nghiệp có thể cắt bớt tiền thưởng và giảm bớt lao động vì tình hình chung là Việt Nam không còn ưu đãi nhà đầu tư như những năm về trước.”
Trong tháng 1/2018, nhiều nơi trên cả nước, hàng nghìn công nhân nhà máy sản xuất giầy da Tam Cường thuộc công ty TNHH Đỉnh Vàng ở Hải Phòng và nhà máy may mặc của Công ty TNHH Moon Chang Vina ở Quảng Nam đồng loạt ngừng việc tập thể vì không bằng lòng mức thưởng Tết, theo báo Lao Động.
Tuy nhiên, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ Tịch Công Đoàn Công Ty Pou Yuen Bình Tân thành phố HCM, nơi có 90 ngàn công nhân đang làm việc, nói với VOA hôm 22/1 rằng tiền thưởng Tết cho công nhân năm nay là “khá tốt,” nhưng ông không đưa ra chi tiết.
Là người đại diện cho tổ chức bảo vệ quyền lợi cho công nhân ở những nơi không có công đoàn độc lập, ông Chương còn cảnh báo rằng công nhân nghỉ Tết xong cũng có nguy cơ mất việc vì bị giới chủ cắt hợp đồng một cách ‘hợp pháp’ mà không báo trước.
“Những người ở xa, như ở miền Trung, miền Bắc thì rất tội cho họ. Những năm trước họ nghỉ Tết đến 9 ngày, nhưng năm nay nghỉ có 7 ngày, và sau đó doanh nghiệp có thể dựa vào hợp đồng, vào tình hình chung mà cho công nhân nghỉ làm. Công nhân không vi phạm họ cũng có thể cắt hợp đồng vì trước đây họ ký hợp đồng vô thời hạn nhưng hợp đồng hiện nay được sửa lại là không xác định thời hạn, cho nên họ có quyền sa thải công nhân bất cứ lúc nào. Đó là điểm lách luật của doanh nghiệp cũng như của nhà nước Việt Nam.”
Mức sống của sinh viên rất thấp. Tụi em chạy Grab thì mỗi ngày từ 5 đến 7 tiếng kiếm được 200 ngàn.Nguyễn Du Hiếu, Sinh Viên
Cùng chung nỗi khó khăn với người công nhân, các sinh viên từ các tỉnh vừa học vừa làm ở thành phố lớn nhất Việt Nam, cũng sẽ đón Tết với hầu bao khiêm tốn, nếu không muốn nhận chu cấp của gia đình.
Anh Nguyễn Du Hiếu, sinh viên ngành tài chánh ngân hàng, chia sẻ: “Mức sống của sinh viên rất thấp. Tụi em chạy Grab thì mỗi ngày từ 5 đến 7 tiếng kiếm được 200 ngàn. Học một buổi, làm một buổi. Sống với mức 200 ngàn cũng tàm tạm. Tiền nhà trọ là 1 triệu một tháng, ăn uống thêm 2 triệu nữa, sống chắt bót lắm! Nhưng không phải ngày nào cũng chạy Grab được hết.”
Sinh viên chạy xe ôm Grab Bike ngoài giờ học là việc làm thêm phổ biến ở Sài Gòn. Thế nhưng thu nhập của họ từ đầu năm 2018 bị giảm đi khi mức chiết khấu bị tăng thêm 3,6%, tức là từ 20% lên 23,6%, khiến “chén cơm” ngày càng giảm bớt do Grab Việt Nam khấu trừ 4,5% nghĩa vụ thuế trên 80% doanh thu tài xế nhận được.
Grab Việt Nam bắt đầu kinh doanh từ tháng 2/2014 với vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2017 đã lỗ lũy kế hơn 900 tỷ đồng. Vào tháng 1/2018, đại diện hãng tiết lộ với báo chí rằng việc tăng mức chiết khấu đối với tài xế là làm theo “hướng dẫn” của cơ quan thuế để đảm bảo nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.
Trong thông điệp đầu năm dương lịch 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hứa sẽ quyết liệt xử lý nợ xấu, bài trừ tham nhũng, chấn chỉnh lạm thu phí BOT, giảm nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia, sau khi Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo nợ công Việt Nam tăng gấp 11,5 lần trong 14 năm.
Câu chuyện của người bán kiểng, của anh công nhân, của anh sinh viên chạy Grab, của công ty Grab Việt Nam, và của cả chính phủ đều xoay quanh chuyện tiền nong. Nhưng có lẽ những khó khăn về tài chính không làm cho người Việt Nam quên đi hương sắc và mùi vị ngày Tết, vì đó là phong tục cổ truyền, nét đẹp văn hóa từ bao đời nay.
Từ thành phố Huế, bà Phạm Thị Nhật Linh, một người kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, nói rằng nhu cầu vay tiền chi xài cho dịp Tết có tăng lên, nhưng không cao hơn những năm trước, một phần do người dân cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, theo bà Linh, gia đình nào cũng cố gắng mua những món phổ biến của vùng cố đô để cúng tổ tiên, ông bà và thiết đãi bạn bè, thân hữu trong những ngày Tết.
Bà Linh nói: “Hiện tại Tết ở đây có bánh mứt, bánh chưng, bánh tét, các món chua ngọt, củ kiệu, bò dầm chắc chắn phải có trong ngày Tết.”
Ngày Tết ở trong Nam, ngoài mâm ngũ quả, hoa mai và bánh tét, người dân còn chuộng món canh hầm khổ qua với mong muốn những điều khó khăn chóng qua mau.
Từ Long An, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang nói: “Trong Nam, món ăn của mình có ý nghĩa rất thâm sâu, ví dụ như phải có món canh khổ qua, mong làm sao cho năm tháng vất vả qua đi để hưởng phúc thái bình, năm sau được an khang, thịnh vượng, có được điều may mắn.”
Khi được hỏi kỳ vọng điều gì nhất cho đất nước trong năm mới Mậu Tuất, nhiều người nói rằng ước mong dân mình thêm giàu, nước mình thêm mạnh, không bị ngoại xâm, bớt nạn tham nhũng.
Một thanh niên ở Bình Thuận đang học tập tại thành phố Hồ Chí Minh nói: “Tôi cầu mong đất nước Việt Nam sẽ có nhiều người trẻ ý thức được hơn và bộc lộ tiếng nói của mình, vì tình hình chính trị ở Việt Nam không được tốt lắm. Một chế độ độc tài thì không thể nào phát triển được. Để phát triển thì phải có cạnh tranh như các nền dân chủ khác. Tôi ước mong chính phủ Việt Nam không còn độc tài, mọi người biết sống yêu thương nhau hơn và không vô cảm.”
Theo sinh viên này, nếu Việt Nam chỉ phát triển kinh tế thôi thì vẫn chưa đủ; nếu người dân, doanh nghiệp và chính phủ chỉ lo làm giàu thôi thì chưa thể giúp Việt Nam tiến bộ, một điều mà chắc chắn giới lãnh đạo Việt Nam đã nhận biết, ít ra là khi các thiếu nhi Hà Nội ngân nga ‘một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân.’
Ông Sáu Quí tỏ vẻ vui mừng vì vườn kiểng Tết năm nay khá hơn, do không bị ngập mặn như năm ngoái. Nhưng rồi giọng ông trầm lại vì không biết sang năm, đứa con đầu của ông, sau khi tốt nghiệp ra trường có được việc làm đàng hoàng như vợ ông từng mong ước không, hay nó sẽ lại chạy Grab ôm, làm công nhân xa nhà, hay sẽ kế nghiệp nhà nông.