Bánh tét, bánh tổ ngày Tết
Tin tức: http://www.facebook.com/VOATiengViet, http://www.youtube.com/VOATiengVietVideo, http://www.voatiengviet.com. Nếu không vào được VOA, xin các bạn hãy vào http://vn3000.com để vượt tường lửa. Tết Nguyên Đán là chữ đọc trại của Tiết Nguyên Đán, hiểu nôm na là ngày đón ánh sáng đầu tiên trong năm. Đây cũng là thời điểm tâm thức con người trở về với những giá trị khởi thủy, chữ Hiếu, chữ Nghĩa, chữ Trung được lấy làm tiêu chuẩn khởi sự của năm. Tục thờ bánh tét, bánh tổ là nét văn hóa giao thoa Việt – Chăm, hiếu kính với cha mẹ, tôn thờ ông bà. Dường như ở đất Quảng Nam, không có nhà nào là không thờ bánh tét, bánh tổ, và không có người già nào là không biết làm bánh tét, bánh tổ. Nhiều người trẻ theo nghề bánh tét, bánh tổ, trở thành nghệ nhân không danh hiệu nhưng công phu của họ dung chứa cả một miền tâm thức Tết. Ông Nguyễn Bá Dũng, thợ làm bánh tét, bánh tổ ở Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Truyền thống bánh tét, bánh tổ của người Việt mình giống như là biểu tượng Linga và Yoni của người Chăm, cho nên chắc chắn ông bà mình cũng có học từ người Chăm cổ, đại diện là bánh tét bánh tổ.” Bà Phạm Thị Nhự, nghệ nhân bánh tổ có hơn 50 năm nghề, Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Dễ hơn hồi xưa, hồi xưa phải mua nếp vỏ về mới máy rồi làm chứ giờ thì mua nếp gạo về làm khỏe hơn.” Chị Huỳnh Thị Phượng, thợ làm bánh tổ gia truyền, Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Muốn ổ bánh tổ đẹp, thì mình phải làm cho chất lượng phải đàng hoàng.” Bà Phạm Thị Nhự, nghệ nhân bánh tổ có hơn 50 năm nghề, Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Bột nếp không thôi, làm chung với đường bát.” Với người Quảng Nam, nơi có kinh thành Sư Tử của Chăm Pa một thuở, bánh tét tượng trương cho người cha, bánh tổ tượng trưng cho người mẹ, mùi vị, màu sắc của bánh tét và bánh tổ hàm chứa âm dương, ngũ hành, vũ trụ bao la. Người làm bánh tổ, bánh tét phải chuẩn bị tâm linh thật trang nghiêm, thanh khiết trước khi bắt tay làm bánh. Đặc biệt, với bánh tổ, món bánh tượng trưng cho sức mạnh Mẫu Tính, cũng là sức mạnh sáng thế, người làm bánh tổ phải biết chay tịnh, hết sức cẩn trọng trong từng thao tác. Ông Nguyễn Bá Dũng, thợ làm bánh tét, bánh tổ ở Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Cái quy trình làm bánh tổ này phải tâm linh, đây là truyền thống của người Việt lâu lắm rồi. Bắt đầu vào làm bánh tổ thì phải cẩn thận, từ việc nhỏ nhất.” Chị Huỳnh Thị Phượng, thợ làm bánh tổ gia truyền, Quảng Nam, chia sẻ với VOA: “Ông bà ngày xưa thì khi cho bánh vào lò thì thắp ba cây hương lên, khi ba cây hương tàn thì mang bánh ra nhưng giờ mình không tính theo hương nữa mà mình tính thời gian theo ba tiếng đồng hồ từ khi chất bánh vào nồi, lửa đun vào, bao giờ hết ba tiếng thì vớt bánh ra. Nếu ổ bánh tổ đẹp thì khi vớt ra mặt trên phải phồng và rổ thì mới đạt tiêu chuẩn của nó.” Với bánh tổ, việc hấp bánh không đơn thuần chỉ là nấu, người hấp bánh còn quan niệm làm sao trong chiếc bánh tích tụ thanh khí đất trời và người làm bánh tổ không đậy vung hay nắp cho nồi bánh, thùng bánh mà dùng một chiếc nón vải đậy lên trên để hấp. Làm như vậy, chiếc bánh sẽ tự hấp tụ khí trời và không bị úng nước trong quá trình chín. Năm mới, với người xứ Quảng, một chiếc bánh tổ rỗ mặt, nở nang tròn trịa đặt bên một chiếc bánh tét căng tròn trên bàn thờ gia tiên, dù thiếu gì đi nữa, vẫn thấy Tết về ấm áp, thanh tao.