Đường dẫn truy cập

Tăng trưởng kinh tế đe dọa đa dạng sinh học trên khắp Á châu


Một rặng san hô ngoài khơi hòn đảo Tioman của Malaysia.
Một rặng san hô ngoài khơi hòn đảo Tioman của Malaysia.

Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Á châu trong vài thập niên qua đã đưa hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo túng, nhưng nó cũng ảnh hưởng to lớn đến sự đa dạng sinh học của khu vực.

Tại cuộc họp ở Bangkok đầu tuần này của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN), các chuyên gia cảnh báo rằng nếu các nước trong khu vực không hợp tác với nhau để tăng cường việc bảo vệ các hệ sinh thái, hàng trăm loại cây cối và động vật sẽ bị tuyệt chủng.

Á châu giờ đây chiếm tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu và hai phần ba của tổng số tăng trưởng kinh tế toàn thế giới. Khoảng 60% dân số thế giới sinh sống ở Á châu, trong đó số dân ở đô thị lên tới 1 tỉ 900 triệu người và theo dự kiến sẽ tăng tới 3 tỉ 300 triệu vào năm 2050.

Nhưng sự phát triển nhanh chóng của kinh tế cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực.

Hơn 1.400 loại cây cối và động vật được xem là có nguy cơ tuyệt chủng ở mức rất cao. Khoảng 95% các rạn san hô ở Đông Nam Á bị đe dọa. Những khu rừng ngập mặn, có thời che phủ hàng chục ngàn km bờ biển ở Á châu, đang bị thu hẹp nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Ông Chương Tân Thắng, Chủ tịch IUCN, nói rằng các hệ sinh thái của trái đất giờ đây không còn có thể chịu đựng những mối căng thẳng mỗi ngày một nhiều và cần có những nỗ lực mới của các chính phủ để ngăn chận thiệt hại.

Ông Chương nói: "Chúng ta có thể duy trì về lâu về dài với phương thức sản xuất hiện nay không? Chúng ta có thể duy trì mức tiêu thụ hiện nay không? Do đó cần có ý chí chính trị, cần có sự nhận thức chung, cần có sự thay đổi giá trị. Chúng ta phải xem xét lại, chúng ta phải phản tỉnh, chúng ta phải thay đổi mô hình sản xuất, chúng ta phải thay đổi mô hình tiêu thụ, chúng ta phải xây dựng những xã hội bao gồm mọi thành phần.

Trong thông cáo kết thúc hội nghị, IUCN hối thúc các chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tìm kiếm những giải pháp cho các cộng đồng và môi trường thiên nhiên.

Tuy nhiên, theo ông Yeshey Dorji, Bộ trưởng Nông nghiệp Lâm nghiệp Bhutan, thách thức hiện này là làm thế nào để vượt qua những sự tính toán ngắn hạn về mặt kinh tế, là những sự tính toán thường gây phương hại cho những nỗ lực bảo tồn thiên nhiên.

Ông Dorji cho biết: "Những sự suy sét này chủ yếu là nhắm tới những thành quả kinh tế ngắn hạn. Tôi nghĩ rằng đó là thách thức lớn nhất cho mục tiêu bảo tồn. Những lợi ích kinh tế ngắn hạn là động lực chính của những hoạt động như săn bắt trái phép và buôn lậu".

Giám đốc Khu vực Á châu của IUCN, bà Aban Marker Kabraji, cho rằng năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt cho Á châu với một nỗ lực cấp bách để gặt hái những sự sáng tạo đã giúp cho Á châu phát triển kinh tế trong 50 năm qua và dùng nó để giúp ích cho cả thiên nhiên lẫn con người.

Hội nghị kéo dài 3 ngày ở Bangkok là một sự kiện chính trước Đại hội Bảo tồn Thế giới, gồm 88 nước thành viên, sẽ được tổ chức tại Hawaii vào tháng 9 năm 2016.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG