Chuyện Bangkok đang chìm dần không còn là điều tranh cãi. Tuy nhiên, chưa có sự đồng thuận về việc khu vực đô thị với khoảng 10 triệu cư dân này còn sinh sống được ở đó bao lâu nữa.
Hội đồng Cải cách Quốc gia, dưới quyền của tập đoàn quân nhân đang điều hành đất nước, muốn chính phủ thiết lập một ủy ban quốc gia để đáp lại những lời cảnh báo của giới khoa học cho rằng Bangkok có thể chìm vĩnh viễn dưới làn nước trong vài thập niên nữa.
Tại một khu phố dọc theo con kênh Saen Saeb, xây vào cuối thập niên 1830, hiện đã có cảm giác bị chìm dần.
Những vết nứt trên lề đường mấp mô và những bức tường nghiêng ngả ở các căn nhà, những cửa hiệu nhỏ và một ngôi đền Hồi giáo là bằng chứng cho một số phận không thể tránh khỏi của một khu vực bên bờ sông bị sụt 2 centimet mỗi năm, tức là gấp đôi mức độ trung bình của phần còn lại trong thủ đô Thái Lan.
Là cư dân đã sinh sống gần như toàn bộ 44 năm cuộc đời trong một căn nhà mà mỗi năm đều phải sửa chữa vì bị sụt dần xuống, bà Vijitri Puangsiri nói:
“Tôi không biết phải làm gì. Ai sẽ giúp chúng tôi đây? Tôi không biết nữa.”
Con đường mòn trước căn nhà cả trăm năm tuổi, nơi bà có một cửa hàng ăn nhỏ, cũng liên tục cần bảo trì.
Ông Somsak Kongpeeng, một người tình nguyện làm công tác cộng đồng, và là hàng xóm của bà Vijitri, nói:
“Đi trên các chiếc thuyền dọc theo kênh, ta có thể nhận thấy tất cả mọi thứ đều bị lõm vào. Các tòa nhà chìm dần bởi vì không được xây dựng trên các nền vững chắc.”
Ông Somsak Kompeeng nói nửa đùa nửa thật trong một cuộc phỏng vấn với đài VOA về con đường mòn rằng nếu 20 năm nữa chúng tôi quay trở lại để gặp ông thì nước sẽ ngập đến vai ông.
Điều đó hóa ra chỉ là nói hơi quá lố trong một thành phố với độ cao trung bình là 2 mét và các tòa nhà được xây trên nền đất sét mềm.
Một mực nước biển đang dâng cao, bơm nước ngầm quá mức và xây dựng quá nhiều tòa nhà cao tầng là những nguyên do chính khiến độ cao của Bangkok sụt dần, theo nhận định của những người đã từng nghiên cứu về vấn đề.
Nhưng sự bùng phát xây dựng đem lại nguồn lợi béo bở vẫn tiếp tục không ngừng, và là một sự điên cuồng đối với những người gióng lên tiếng chuông cảnh báo.
Phó giáo sư Sucharit Koontanakulvong, người đứng đầu Đơn vị Nghiên cứu Hệ thống Tài nguyên Nước của trường Đại học Chulalongkorn, nói:
“Nếu ta không có biện pháp gì, mọi người sẽ thua thiệt. Bởi vì chính đất đai đang bị chìm dần, cho nên giá đất cũng chìm xuống.”
Vị giáo sư này cùng các thành viên khác của một ủy ban dự báo rằng, nếu không có biện pháp nào được tiến hành, thì lụt lội liên tục và bền bỉ bắt đầu trong vòng 2 thập niên tới và kéo dài “từ 2 đến 3 tháng” sẽ làm cho nền kinh tế của Bangkok bị đình trệ.
Sự kiện đó đã được kinh qua trong mùa mưa năm 2011 khi 13 triệu người bị tác động bởi lụt lội – với hơn 800 người thiệt mạng – và thiệt hại kinh tế cho Thái Lan vượt quá mức 45 tỷ đôla, theo Ngân hàng Thế giới.
Trong một bài xã luận ngày 25 tháng 7 có tựa là “Hãy ngăn chặn thành phố chìm xuống” báo Bangkok Post lo ngại là bất kể những kinh nghiệm lụt lội trước đây và những lời cảnh báo mới, “dường như sự bình thản không quan tâm vẫn thắng thế.”
Báo này kêu gọi ngưng việc mở rộng thêm thành phố, bớt đầu tư một cách có sách lược vào Bangkok, và đình chỉ hẳn việc bơm nước ngầm.
Cũng có những lời kêu gọi chi ra hàng tỷ đôla để gia cố thành phố thường bị ngập lụt bằng những bức tường chắn nước biển. Ngay cả với một nỗ lực tốn kém như thế, kết cuộc thiên nhiên vẫn có thể lấy lại tất cả những gì con người đã xây dựng ở vùng đất lầy nằm ở độ thấp này tại đồng bằng của một con sông.