Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đang gây sức ép để Thái Lan cho phép hơn 50 người sắc tộc Uighur đến Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp áp lực của Bắc Kinh đòi Bangkok dẫn độ những người này về Trung Quốc. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của đài VOA tại Bangkok, giới hữu trách Thái Lan bị chỉ trích kịch liệt vì trả về Trung Quốc hơn 100 người Uighur hồi đầu tháng này.
Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Thái Lan, ông Anusit Kunakorn, hồi đầu tuần này đã tìm cách giải tỏa mối lo ngại về sự đối xử của Trung Quốc đối với những người Uirghur bị cưỡng bức hồi hương qua việc đến thăm trung tâm tạm giam ở Tân Cương, nơi những người này đang bị giam giữ.
Ông Anusit cho báo chí Thái Lan biết rằng 109 người sắc tộc Uighur đang sinh sống trong những điều kiện tốt đẹp và mô tả nơi giam giữ họ là “sạch sẽ và ngăn nắp”. Ông nói rằng 13 người trong số đó bị giam ở một nơi ông gọi là “trung tâm phục hồi” và đang được thẩm vấn về sự dính líu tới các hoạt động khủng bố.
Tuy ông Anusit cung cấp một số hình ảnh của trại giam nhưng ông cho biết ông bị cấm không được chụp hình những người Uighur. Trung Quốc không cho phép các nhà báo và các tổ chức quốc tế đến thăm trung tâm này.
Chính phủ Thái Lan đã điều đình với cả Trung Quốc lẫn Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 1 năm, sau khi họ phát giác hơn 350 người Uighur núp trong rừng và đưa những người này đến các trung tâm tạm giam của sở di trú.
Khoảng 108 người Uighur, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, được đưa tới Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nhận được giấy tờ di dân hợp pháp. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên cung cấp những giấy tờ như vậy vì những mối liên hệ văn hóa truyền thống và cho rằng khối người Hồi giáo thiểu số này bị bách hại ở Trung Quốc.
Nhưng vẫn còn hơn 50 người Uighur tiếp tục bị giam tại một trung tâm ở Bangkok.
Bà Vivian Tan, người phát ngôn của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Thái Lan, nói rằng chính phủ Thái Lan nên để cho nhóm người này tự do du hành.
"Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu chính phủ Thái Lan đừng cưỡng bức trục xuất người Uighur trong tương lai. Chúng tôi đang hối thúc chính phủ cho phép những người vẫn còn ở đây được tự nguyện rời Thái Lan để tới một nước mà chính phủ sẵn lòng tiếp nhận họ".
Trung Quốc tố cáo những người Uighur đó có liên hệ với các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo và những phần tử đòi ly khai.
Luật sư Benjamin Zawacki là một người tranh đấu cho nhân quyền. Ông nói Thái Lan đã không để cho những người tị nạn được sàng lọc một cách thỏa đáng bởi một tổ chức quốc tế trước khi trả họ về Trung Quốc.
"Mặc dù Thái Lan không ký kết công ước tị nạn, nhưng tập quán trong luật pháp quốc tế là việc sàng lọc phải được thực hiện và trước khi việc này hoàn tất thì giới hữu trách phải làm việc dựa trên giả thiết là người xin tị nạn có cơ sở để lo sợ về việc bị bách hại và họ không thể bị trả về nước trước khi có sự xác định là họ sẽ không bị bách hại".
Tin tức báo chí cho biết Trung Quốc tiếp tục gây sức ép đòi Thái Lan trục xuất những người Uighur này về nước.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha từ chối bình luận về việc những người Uighur này rốt cuộc sẽ được đưa tới quốc gia nào. Ông chỉ nói rằng những người này sẽ ở lại Thái Lan “trong một thời gian nữa”.