Đường dẫn truy cập

Ủy ban Nhân quyền Thái Lan thảo luận chính sách về người Uighur


Một người đàn ông Uighur đứng nhìn một chiếc xe tải bán quân sự chở cảnh sát đi dọc theo một con đường trong một cuộc chống khủng bố.
Một người đàn ông Uighur đứng nhìn một chiếc xe tải bán quân sự chở cảnh sát đi dọc theo một con đường trong một cuộc chống khủng bố.

Thái Lan đang bị chỉ trích dữ dội vì cưỡng bức hồi hương hơn 100 người Uighur về Trung Quốc. Theo tường thuật của thông tín viên Ron Corben của VOA tại Bangkok, Uỷ ban Nhân quyền Thái Lan sẽ họp với các đại diện của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền vào cuối tuần này để bàn về số phận của hơn 50 người Uighur vẫn còn ở Thái Lan.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân quyền Thái Lan, ông Niran Pitakwatchara, thứ 6 tới đây sẽ họp với vác vị đại diện của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân quyền.

Cuộc họp này hy vọng sẽ góp phần cứu vãn tiếng tăm đã bị hoen ố của Thái Lan sau khi trục xuất 109 người sắc tộc Uighur trở về Trung Quốc, khiến cho cộng đồng quốc tế tố cáo tập đoàn quân nhân cầm quyền vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Trung Quốc khăng khăng cho rằng những người Uighur bị trả về nước là những người muốn gia nhập hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông.

Bà Puangthong Pawakapan, giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn, nói tập đoàn quân nhân Thái Lan đã không lường trước là sẽ gặp phải sự chỉ trích kịch liệt như vậy.

“Tập đoàn quân nhân nên lắng nghe các tổ chức quốc tế như Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc nếu họ không có khả năng để làm. Họ nên nghe theo lời khuyên của các tổ chức quốc tế và để họ can thiệp dựa trên các nguyên tắc nhân đạo và nhân quyền. Tôi không biết tập đoàn cầm quyền nhận thức được tới mức nào những sự thiệt hại mà họ đã gây ra cho đất nước.”

Sau những cuộc điều đình kéo dài, khoảng 180 người Uighur, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã được phép tới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng việc Thái Lan quyết định trục xuất hơn 100 người Uighur khác về Trung Quốc đã làm bùng ra những vụ biểu tình phản đối ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, những đám đông giận dữ đã tấn công các phái bộ ngoại giao của Thái Lan và Trung Quốc.

Tất cả những người Ughur đó đều muốn tới Thổ Nhĩ Kỳ, là nước có những mối liên hệ văn hoá, lịch sử với người Uighur và đã cung cấp giấy tờ để những người bị câu lưu ở Thái Lan có thể đến định cư.

Bà Chalida Tajaroensuk, Giám đốc Quỹ Trao quyền cho Nhân dân ở Thái Lan, cho biết bà tin là 51 phụ nữ và trẻ em Uighur còn lại sẽ được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ.

“Vào lúc này chỉ có 52 người phụ nữ. Tôi không nghĩ là họ sẽ đưa những người này về Trung Quốc bởi vì chính phủ đang gặp phải rất nhiều áp lực. Nếu họ muốn đưa những người này ra khỏi nước, thì họ nên đưa số người này tới Thổ Nhĩ Kỳ ngay lúc này. Nhưng vấn đề chính của chúng tôi là làm thế nào để bảo vệ cho 109 người đã bị trả về Trung Quốc. Điều đó nhạy cảm hơn.”

Các giới chức Thái Lan cho biết họ đang phái một toán nhân viên đến Trung Quốc để theo dõi tình hình của 109 người Uighur mà họ trả về hồi tuần trước.
Các nhân vật tranh đấu nhân quyền cho biết cuộc họp do Uỷ ban nhân quyền Quốc gia Thái Lan tổ chức vào thứ 6 tuần này dự kiến sẽ mang lại cho họ một cái nhìn rõ ràng hơn về chính sách của chính phủ Thái Lan đối với người Uighur.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG