Các cơ quan cứu trợ đang gia tăng hoạt động nhân đạo ở Iraq để đáp ứng tuyên bố gần đây của Liên Hiệp Quốc rằng cuộc khủng hoảng di tản trong nước đã đạt đến mức cao nhất của tình trạng khẩn cấp. Ước tính có 1,2 triệu người đã rời bỏ nhà cửa trong năm nay để chạy trốn các cuộc tấn công của nhóm chủ chiến được gọi là Nhà Nước Hồi Giáo.
Liên Hiệp Quốc xem cuộc khủng hoảng ở Iraq ngang hàng với các cuộc khủng hoảng diễn ra ở Syria, Nam Sudan và Cộng Hòa Trung Phi. Các cơ quan cứu trợ Liên Hiệp Quốc đang vật lộn để giúp đỡ cho khoảng 80.000 người từ nhóm tôn giáo thiểu số Yazidi và các nhóm thiểu số tôn giáo khác đã bỏ trốn đến Syria đầu tháng này để thoát khỏi quân nổi dậy Hồi Giáo.
Sau đó họ lại quay trở lại Iraq vào khu vực Dohuk của người Kurd. Phát ngôn viên về tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc Dan McNorton gọi đây là tình trạng hay thay đổi, tiến triển nhanh chóng. Ông cho biết những người tỵ nạn đến trong tình trạng cực xấu. Ông nói họ buộc phải đi bộ một thời gian dài trong cái nóng bỏng rát và bị kiệt sức, mất nước khi họ đến đây.
Ông McNorton nói với đài VOA là việc tìm nơi tạm trú cho những người này là quan trọng.
“Chúng tôi đang tích cực xem xét cùng với các đối tác lúc này, cung cấp lều cho những khu vực đó. Chúng tôi đang xem xét việc gia tăng trợ giúp và hiện đang đánh giá chính xác những gì mà những người đó cần và cách phân phối tốt nhất”.
Ngoài việc chăm sóc cho 80.000 người tỵ nạn Iraq ở Dohuk, UNHCR và các đối tác còn đang trợ giúp cho khoảng 15.000 người Yazidi vẫn còn đang ở Syria.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng gia tăng các hoạt động nhân đạo. Phát ngôn viên Tariq Jasarevic của WHO cho biết WHO đã gửi hai xe tải đến Dohuk với các vật tư y tế trong hai tháng cho 30.000 người.
Ông Jasarevic cho biết Ủy ban quốc tế của Hội Chữ Thập Đỏ đang phân phối cácvật tư y tế khác trong hai tháng từ WHO, đủ cho 20.000 người, đến những người Yazidi vẫn đang bị mắc kẹt ở rặng núi Sinjar:
“Chúng tôi đang cố gắng mở rộng các hoạt động bởi vì có những cuộc khủng hoảng ở Iraq hiện nay với những người tỵ nạn Syria ở khu vực người Kurd và tỉnh Anbar. WHO cũng đang nỗ lực để thiết lập các trạm trung chuyển ở các thành phố khác nhau: Baghdad, Erbil, Dohuk, Kirkuk, Basra - và sẽ có nhân viên, không chỉ từ các trụ sở hay từ văn phòng khu vực, mà chúng tôi còn đang cố gắng tuyển dụng nhân viên trong nước để giúp chúng tôi trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng này.”
Ông Jasarevic nói WHO đang tuyển 15 y tá và đưa họ đến Cơ quan Y tế ở Dohuk. Họ sẽ cung cấp dịch vụ cho 20 trung tâm y tế và bệnh viện. Ông cho biết cơ quan này cũng sẽ đưa 20 phòng khám di động đến Dohuk và có thể phục vụ được khoảng 300 bệnh nhân mỗi ngày.