Chiến dịch chủng ngừa bại liệt hàng loạt đang diễn ra ở đất nước Iraq bị chiến tranh tàn phá. Chiến dịch, được dẫn đầu bởi Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, nhắm mục tiêu chủng ngừa cho hơn bốn triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên khắp đất nuớc.
Gần 14 năm Iraq không có ca bệnh bại liệt nào. Nhưng hiện trạng này đã không còn nữa kể từ khi căn bệnh làm hai trẻ em bị liệt hồi tháng Ba. Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới Paul Garwood nói với đài VOA rằng điều này đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo:
“Với hai trường hợp bại liệt ở Iraq được báo cáo gần đây và một số lượng tương đối cao những trẻ em chưa được chủng ngừa vì tình trạng thiếu an ninh và những khó khăn trong việc tiếp cận các gia đình và trẻ em, đặc biệt là ở những khu vực xung đột, Iraq hiện rất dễ xảy ra bùng phát rộng hơn căn bệnh gây tê liệt và không chữa được này.”
Điều này không gây ngạc nhiên. Các giới chức y tế của Liên Hiệp Quốc cho biết hàng trăm ngàn trẻ em đang bị thất tán vì bạo động lan tràn ở đất nước. Họ nói trẻ em và gia đình chúng thường sống trong các cơ sở chật ních người, thiếu vệ sinh - những điều kiện khiến chúng có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm.
Liên Hiệp Quốc ước tính có gần 1.2 triệu người bị thất tán ngay trong nước kể từ đầu năm nay. Chỉ trong vài ngày qua, Liên Hiệp Quốc cho biết gần 200.000 nguời, gần một nửa số đó là trẻ em, đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Con số người thất tán đã tăng mạnh kể từ tháng Sáu, khi nhóm chiến binh tự nhận là Nhà Nước Hồi Giáo (IS) leo thang các cuộc tấn công chống lại chính phủ, chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ lớn ở miền Bắc Iraq.
Ông Paul Garwood của WHO cho biết các nhân viên cứu trợ mong muốn chủng ngừa bệnh bại liệt cho tất cả trẻ em ở đất nước này. Nhưng ông lưu ý là có phần chắc họ sẽ không thể làm được điều này ở những khu vực do các chiến binh IS kiểm soát.
“Đó là những khu vực mà các giới chức y tế, WHO và UNICEF có quyền tiếp cận, bao gồm Dohuk. Khu vực mà nhiều người đã di tản đến.”
Có khoảng 700.000 người đã tị nạn ở khu vực Kurdistan ở Iraq. Con số này bao gồm 250.000 trẻ em người Iraq và 125.000 trẻ em người Syria. Khu vực Dohuk giờ là nơi cư ngụ của khoảng 400.000 người thất tán.
Các nhân viên cứu trợ cho biết họ sẽ không thể chủng ngừa cho hàng ngàn trẻ em của nhóm dân thiểu số tôn giáo Yazidi, những người nằm trong số 30.000 người bị mắc kẹt trên núi trọc Sinjar nóng cháy ở miền Bắc Iraq. Nhóm này đã tháo chạy lên đây sau khi nhóm IS đe dọa giết họ nếu không cải đạo sang đạo Hồi.
Các cơ quan của Liên Hiệp Quốc quan ngại về sự bất lực của mình trong việc tiếp cận tất cả trẻ em. Họ cho biết nguy cơ virus bại liệt lây lan trong những trẻ em không được chủng ngừa là rất lớn. Người ta tin rằng bệnh bại liệt lan sang Iraq từ đất nước Syria chìm trong xung đột, nơi mà 36 trẻ em bị liệt ở đất nước từng sạch bệnh bại liệt.
Iraq là một trong bảy quốc gia mà WHO và UNICEF dự định thực hiện các chiến dịch chủng ngừa bại liệt. Họ nhắm mục tiêu chủng ngừa cho 25 triệu trẻ em trong khu vực được tiêm loại vaccine cứu mạng này.