Đường dẫn truy cập

Tại sao Trung Quốc, Philippines tranh giành một bãi cạn tí hon?


Một tàu tuần duyên Trung Quốc phun nước vào tàu tiếp tế của hải quân Philippines M/L Kalayaan khi tàu này đến gần Bãi Cỏ Mây, địa phượng gọi là Bãi cạn Ayungin tại Biển Đông tranh chấp ngày 10/12/2023.
Một tàu tuần duyên Trung Quốc phun nước vào tàu tiếp tế của hải quân Philippines M/L Kalayaan khi tàu này đến gần Bãi Cỏ Mây, địa phượng gọi là Bãi cạn Ayungin tại Biển Đông tranh chấp ngày 10/12/2023.

Philippines ngày 11/12 mô tả hành động của các tàu Trung Quốc nhắm vào tàu Philippines đang trên đường làm nhiệm vụ tiếp tế ở Biển Đông cuối tuần qua là một “sự leo thang nghiêm trọng”.

Trong vụ đối đầu mới nhất, Manila cáo buộc các tàu tuần duyên và dân quân biển Trung Quốc liên tục bắn vòi rồng vào các tàu tiếp tế của họ và cố tình đâm vào một chiếc tàu khác gần Bãi Cỏ Mây

Tệ hại đến mức nào?

Trong những năm gần đây, Manila và Bắc Kinh vướng vào các cuộc đối đầu tại Bãi Cỏ Mây khi Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong việc thúc đẩy các yêu sách hàng hải của mình, gây lo ngại cho các bên tranh chấp và các quốc gia khác đang hoạt động ở Biển Đông, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, vẽ ra một đường trên bản đồ của họ cắt vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia. Đài Loan, nơi Trung Quốc cũng tuyên bố là một phần lãnh thổ của mình, cho biết họ không chấp nhận bản đồ của Bắc Kinh.

Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên tàu tuần duyên Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu Philippines, nhưng vụ việc mới nhất đã khiến một trong những tàu tiếp tế bị hư hỏng động cơ nghiêm trọng và phải được kéo về cảng khiến tàu này không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Tư lệnh quân đội Philippines có mặt trên một chiếc tàu khác cũng bị bắn nước và đâm vào khi đang vận chuyển thực phẩm và nước uống cho các binh sĩ Philippines đồn trú trên con tàu hải quân cũ kỹ, BRP Sierra Madre.

Sierre Madre đã được Manila cố tình neo đậu trên Bãi Cỏ Mây vào năm 1999 để khẳng định quyền chủ quyền của mình đối với đảo san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Romeo Brawner, nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh rằng ông không bị thương và ông không tin Trung Quốc biết ông có mặt trên tàu. Nhưng Manila đã triệu tập đại sứ Bắc Kinh và đưa ra phản đối ngoại giao về cái mà họ gọi là hành động “hung hăng” của Trung Quốc, là “mối đe dọa đối với hòa bình, trật tự và an ninh”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/12 nói họ đã gửi công hàm chính thức và phản đối mạnh mẽ phía Philippines về vụ va chạm mà họ đổ lỗi cho Manila, nước cáo buộc Bắc Kinh loan truyền những thông tin sai lệch.

Tại sao bãi cạn này quan trọng cho cả hai bên?

Những nỗ lực lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm phong tỏa Bãi Cỏ Mây, nằm cách tỉnh Palawan của Philipines chưa đầy 200 hải lý, đã khiến bãi đá ngầm này trở thành điểm nóng cho xung đột giữa Manila và Bắc Kinh.

Các quan chức Philippines và chuyên gia an ninh lo ngại Bắc Kinh đang âm mưu chiếm bãi cạn này và quân sự hóa nó như đã làm với Đá Vành Khăn, nằm cách bãi cạn này chỉ 40 km.

Ông Jonathan Malaya, một quan chức cấp cao tại Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, nói: “Bãi cạn này là một địa điểm phù hợp để đặt căn cứ quân sự và Trung Quốc có đủ tiền để biến nó thành căn cứ”. “Đó là lý do tại sao họ muốn nó.”

Trung Quốc, nước đã triển khai tàu ra đó tuần tra, nhiều lần kêu gọi Philippines kéo tàu đi dựa trên những gì họ nói là “lời hứa” của Manila, nhưng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr phủ nhận sự tồn tại của hiệp ước đó. Ông nói nếu có một thỏa thuận như vậy thì ông sẽ hủy bỏ nó.

Ông Jay Batongbacal, một chuyên gia về luật hàng hải ở Manila, cho biết Bãi Cỏ Mây không chỉ gần Philippines mà còn gần các tuyến đường biển đi qua eo biển Palawan, khiến bãi cạn này trở thành một phần mở rộng lý tưởng của Đá Vành Khăn.

Xu hướng này tiếp tục sẽ có rủi ro gì?

Những cuộc đối đầu mới nhất có thể sẽ làm căng thẳng hơn nữa mối quan hệ giữa Philippines và Bắc Kinh, vốn đã trở nên căng thẳng dưới thời Tổng thống Marcos. Ông ngày càng cáo buộc Trung Quốc có hành vi hung hăng, đồng thời tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.

Nhưng ông Justin Baquisal, nhà phân tích An ninh Quốc gia tại FACTS châu Á, nghĩ rằng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến hình thái tổng thể của mối quan hệ cấp cao Trung Quốc-Philippines, vì “rất nhiều hành động ăn miếng trả miếng về vấn đề Biển Đông chỉ xảy ra ở mức độ thấp.”

Các quan chức Philippines cũng nói rằng tranh chấp ở Biển Đông không phải là vấn đề tổng thể của mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Philippines.

Ông Marcos cũng đã duy trì các cuộc đối thoại với người đồng cấp Trung Quốc và bên lề hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở San Francisco vào tháng trước, ông và Chủ tịch Tập đã gặp nhau để hoạch định các giải pháp tiến tới ở Biển Đông.

Diễn đàn

Liên quan

XS
SM
MD
LG