Đường dẫn truy cập

Tại sao bây giờ họ nói dở thế?


Tại sao bây giờ họ nói dở thế?
Tại sao bây giờ họ nói dở thế?

Trong bài “Tại sao họ bị biến chất nhanh thế?”, tôi ngạc nhiên về sự biến chất trong nhận thức, lý tưởng, đạo đức và nhân cách của những người cộng sản thuộc thế hệ thứ nhất. Trong những lúc chuyện trò, bạn bè tôi, nhất là những người đi du học trước năm 1975, còn bày tỏ một ngạc nhiên khác: Không hiểu sao khả năng tuyên truyền của cộng sản lại sút giảm nhanh chóng đến thế?

Một nhận định như thế bao hàm một sự so sánh: sự tuyên truyền của họ trước 1975 thì giỏi, sau đó thì kém. Trước 1975, tôi còn khá nhỏ, lại chẳng bao giờ để ý đến chính trị, nên thành thực mà nói, không thể đánh giá được nhận định ấy một cách chính xác được. Nhưng cũng thành thực mà nói, tôi tin đó là sự thật. Không tuyên truyền giỏi, họ không thể lôi kéo được sự ủng hộ rộng rãi của dân chúng trên thế giới như thế, không thể chinh phục được rất nhiều trí thức lớn, kể cả những trí thức thuộc loại lớn nhất của thời đại, từ Jean-Paul Sartre ở Pháp đến Bertrand Russell ở Anh và Susan Sontag ở Mỹ như thế. Nói chuyện với nhiều trí thức Úc, ở vào thời điểm này, 35 năm sau khi chiến tranh Việt Nam đã kết thúc, tôi vẫn bắt gặp thấp thoáng đâu đó chút nuối tiếc đối với những huyền thoại từ Việt Nam mà một thời họ từng ngưỡng mộ.

Nhiều người Việt Nam sống ở hải ngoại trước năm 1975 kể: mỗi lần nghe một cán bộ từ miền Bắc sang nói chuyện, khán giả như ngây ngất, có thể nói bị mê hoặc, thấy con đường cách mạng tuy gian khổ nhưng tràn đầy ánh sáng và vinh quang: với nó, người ta sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả sự nghiệp và tính mạng. Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều Việt kiều ở khắp nơi, từ Pháp đến Thái Lan, ùn ùn về miền Bắc chịu cực chịu khổ, thậm chí, chịu nhục suốt một thời gian dài.

Vậy mà, bây giờ, mọi sự khác hẳn.

Khác, ở cấp vĩ mô: Dường như cả guồng máy tuyên truyền bị đổ vỡ, không thể nhận ra bất cứ một chính sách hay một luận điểm gì có chút thuyết phục. Khác, ở cấp vi mô: Dường như khả năng hùng biện của các cán bộ, kể cả cán bộ cao cấp, cũng bị đánh mất: mỗi lần họ mở miệng là người ta lại thấy buồn cười. Gần đây, mỗi cuối năm, giới báo chí phi chính thống, chủ yếu là các blogger, thường sưu tập các câu nói “ấn tượng” nhất trong năm: Hầu hết đó là những câu nói ngu xuẩn từ cấp lãnh đạo. Nếu tiếp tục việc làm ấy ở quy mô rộng hơn, không chừng chúng ta sẽ có một bộ sưu tầm cực kỳ đồ sộ để lại cho hậu thế.

Tại sao lại có sự thay đổi lạ lùng như vậy? Tại sao những con người vốn được xem là nói hay bây giờ lại nói năng dở; không những dở mà còn dở hơi, đến như vậy?

Tại sao?

Lý do, nghĩ cho cùng, thật ra, khá đơn giản. Trước, sự tuyên truyền của cộng sản chủ yếu dựa trên huyền thoại, trong đó có hai huyền thoại chính: giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp. Hai huyền thoại ấy gắn liền với hai lý tưởng phổ quát của nhân loại từ xưa đến nay: độc lập và bình đẳng. Ai cũng mơ độc lập và bình đẳng. Nhưng chưa ai thấy được một sự độc lập và bình đẳng trọn vẹn. Những giấc mơ ấy thật đẹp nhưng cũng thật xa vời. Xa, nên chúng không thể được kiểm chứng. Những huyền thoại được xây dựng trên những giấc mơ không được kiểm chứng vượt ra ngoài sự thách thức của lý trí phê phán, do đó, ngay cả những trí thức nhiều hoài nghi nhất cũng có thể dễ dàng bị khuất phục. Người ta tin theo huyền thoại như theo đuổi một tương lai, ở đó, mọi sự phán đoán và đánh giá đều bị trì hoãn hoặc tạm trì hoãn.

Nhưng trì hoãn đến mấy thì nó cũng có giới hạn. Giới hạn ấy là ngày 30 tháng 4, 1975. Từ thời điểm ấy, giấc mộng giải phóng dân tộc đã hoàn tất và giấc mộng giải phóng giai cấp đã bắt đầu thành hiện thực. Không còn lý do gì để trì hoãn được nữa. Người ta không thể viện dẫn một tương lai xa xôi nào để thoái thác trách nhiệm đối với hiện tại được nữa. Nhưng khi không còn bám víu vào một tương lai xa xôi và vô định, huyền thoại tự động sẽ tan vỡ. Nó chỉ còn là những hiện thực trần trụi. Hiện thực ấy lại nham nhở đến độ mọi sự khen ngợi đều trở thành lố bịch và mọi sự bào chữa đều trở thành ngu xuẩn.

Lý do thứ hai, cũng gắn liền với huyền thoại là sự tin tưởng. Trước, có thể chính những người lãnh đạo đảng cộng sản cũng tin tưởng vào những lý tưởng mà họ theo đuổi. Sự tin tưởng ấy thổi lửa vào lý luận của họ và vào cả giọng nói của họ nữa. Biến họ thành những nhà hùng biện sôi nổi và nồng nhiệt. Bây giờ, huyền thoại đã đổ, không phải đổ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới, không ai còn có được sự nhiệt tình hôi hổi như trước kia. Mà nếu có, trong hoàn cảnh hiện nay, một sự nhiệt thành như thế rất dễ bị xem là biểu hiện của sự trì độn. Nó càng mất sức thuyết phục.

Lý do thứ ba, để tuyên truyền có hiệu quả, người ta cần có khoảng cách. Bụt, muốn thiêng, phải ở chùa xa. Càng xa càng tốt. Trước 1975, miền Bắc là một xã hội hoàn toàn khép kín. Trên thế giới, không mấy người biết nó thực sự ra sao cả. Người ta chỉ nghe nói. Và tưởng tượng. Ngay chính ở miền Bắc, dân chúng cũng không mấy người biết lãnh tụ của họ thực sự ra sao cả. Chỉ lâu lâu, thật hoạ hoằn, mới thấy lướt qua đâu đó. Những điều họ biết về lãnh tụ của họ cũng chỉ là những điều mà họ nghe nói. Và tưởng tượng thêm. Cái gọi là chủ nghĩa xã hội lại càng xa vời. Nó ở đâu đó trong những giấc mơ. Điều người ta thấy trước mắt chỉ là một “thời kỳ quá độ”. Sau này, với sự phát triển của xã hội và truyền thông, người ta không thể bưng bít sự thực mãi được. Những ung thối trong lòng các nước xã hội chủ nghĩa phát triển trên thế giới bị phơi bày công khai. Hình ảnh và lời ăn tiếng nói của giới lãnh đạo cũng bị phơi bày trên tivi hoặc trên YouTube. Ai cũng thấy. Cái thấy ấy xoá nhoà mọi khoảng cách, bóp chết mọi cơ hội để huyền thoại nảy nở. Đó là lý do tại sao có lần tôi cho chính YouTube sẽ lần lượt treo cổ các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Lý do thứ tư là chính bản thân giới lãnh đạo cộng sản tự ý từ bỏ con đường tuyên truyền rất sớm. Họ chỉ nỗ lực tuyên truyền khi họ chưa có quyền lực. Nắm được chính quyền rồi, người ta bỏ ngay mọi nỗ lực tuyên truyền để chuyển sang nhồi sọ. Tuyên truyền và nhồi sọ sử dụng các phương tiện giống nhau, từ truyền thông đến giáo dục. Nhưng trong khi tuyên truyền nhắm đến sự khai sáng và thuyết phục, nhồi sọ chỉ nhắm đến việc là mê muội và thần phục – thần phục một cách mê muội. Tuyên truyền có thể đi đôi với lý trí phê phán (critical reason), trong khi nhồi sọ thì triệt tiêu hẳn loại lý trí ấy, và chỉ cho phép loại lý trí công cụ (instrumental reason) được phát triển mà thôi. Được nuôi dưỡng trong môi trường văn hoá nhồi sọ như thế, chính các cán bộ lãnh đạo cũng mất dần khả năng thuyết phục, nghĩa là khả năng tuyên truyền.

Từ đó, chúng ta dễ thấy thêm lý do thứ năm này nữa: khả năng. Gần đây, nhiều người hay nói đến nhu cầu phát triển “quan trí”: Theo họ, vấn đề của Việt Nam hiện nay không phải là dân trí: Dân trí Việt Nam đã phát triển khá cao. Nhiều người được học hành tử tế. Một số khá đông được học hành ở ngoại quốc. Số khác, nếu không được du học hoặc du lịch thì cũng có nhiều cơ hội để tiếp cận các thông tin mới trên thế giới. Vấn đề, theo họ, là ở trình độ giới lãnh đạo, tức “quan trí”: Nó quá thấp.

Trong hoàn cảnh và với những con người như vậy, chuyện nói dở và tuyên truyền dở là chuyện…chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên cả!

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG