Được trả tự do chưa đầy một tuần lễ, bà Aung San Suu kyi đang tổ chức một cuộc thách thức về pháp lý để phục hồi Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà.
Liên minh còn gọi tắt là NLD này đã bị giải tán trong tư cách một chính đảng vì đã từ chối không chịu tuân thủ các quy định nghiêm ngặt và đăng ký hoạt động trong cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi ở Miến Điện. Liên minh nay hoạt động trong tư cách một cơ quan từ thiện và trên nguyên tắc không đưọc can dự vào các hoạt động bị coi như chính trị.
Nhưng bà Aung San Suu Kyi đã xác định rõ là bà dự định sẽ hoạt động chính trị sau khi được phóng thích sau 7 năm bị quản thúc.
Thần tượng đấu tranh cho dân chủ 65 tuổi này tuyên bố bà muốn gặp các tổ chức ủng hộ dân chủ đã ra tranh cử nhưng nay than phiền về tình trạng gian lận phiếu và hăm dọa cử tri.
Nhưng bà cũng đề nghị mở các cuộc đàm phán hòa giải với chính phủ đã tước quyền tự do của bà.
Trong một cuộc phỏng vấn với ban Miến ngữ đài VOA, khôi nguyên giải Nobel hòa bình thừa nhận rằng cuộc đối thoại với chính phủ quân nhân sẽ không diễn ra một cách dễ dàng.
Bà Suu Kyi nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là ý chí tìm ra một giải pháp. Nếu cả hai bên thực sự có thiện chí tìm ra một giải pháp thì sẽ tìm ra được. Chúng ta không thể làm được nếu chỉ có một bên muốn có giải pháp còn bên kia thì không muốn. Vì thế, điều chúng ta phải làm là tìm cách thuyết phục chế độ quân nhân rằng hòa giải dân tộc đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, kể cả chính họ.”
Hàng ngàn người đã đổ xô đến để được nhìn thấy bà Aung San Suu Kyi, điều này cho thấy rõ rằng bà vẫn hết sức được lòng dân chúng.
Ông William Case là giám đốc Trung tâm Khảo cứu Đông Nam Á tại trưởng Đại học Thành phố Hông Kong. Ông nói chưa rõ bà sẽ chuyển sự ủng hộ của công chúng sang thành sự thay đổi hữu hiệu một cách tốt đẹp như thế nào.
Ông Case cho biết: “Bà ấy có thể khích lệ một vài hy vọng, bà ấy có thể khơi nguồn sống cho lòng khao khát, tình cảm đòi dân chủ của dân chúng. Nhưng, nói về việc thực sự đem lại dân chủ hóa chính trị có ý nghĩa, thì điều này có thể vẫn còn hạn chế.”
Để khích lệ đối thoại, bà đang cứu xét việc ủng hộ chấm dứt các biện pháp chế tài kinh tế.
Từ nhiều năm, bà đã kêu gọi các chính phủ Tây phương hạn chế thương mại để trừng phạt chính phủ Miến Điện về tội vi phạm nhân quyền.
Giới chỉ trích nói rằng chế tài gây thiệt hại cho người dân thường và giúp những nước không mấy quan tâm về nhân quyền, như Trung Quốc, chiếm ngự đầu tư và thương mại.
Ông Carl Thayer là một giáo sư chuyến về Đông Nam Á tại Học Viện Quốc phòng Australia. Ông nói đề nghị đó có thể đem lại cho bà Aung San Suu Kyi một cơ hội gặp các giới chức chính phủ nhưng ản hưởng của bà đối với chính sự Miến Điện rất hạn hẹp.
Ông Thayer cho biết: “Nếu bà Suu Kyi giúp bãi bỏ được các biện pháp trừng phạt – đó là một điều tốt. Nhưng một khi các biện pháp đó được bãi bỏ, thì sẽ không còn cần đến bà trong lãnh vực ấy nữa. Bà không thể đóng một vài trò trong viện lập pháp điều hành cho nên người ta có thể qua mặt bà. Nếu bà tìm cách huy động dân chúng – thì sẽ làm như thế dưới hình thức nào – qua các cuộc bầu cử sắp tới hay những cuộc biểu tình ồ ạt hay khiếu nại? Họ có thể có hành động ôn hoà như thế nào đối với một viện lập pháp do quân đội chế ngự?”
Bà Aung San Suu Kyi được phóng thích 1 tuần lễ sau khi Miến Điện tổ chức một cuộc bầu cử bị nhiều người lên án là bất công và nhằm giúp quân đội tiếp tục nắm quyền.
Chính phủ nói cuộc bầu cử nằm trong khuôn khổ một kế hoạch trở lại thể chế dân sự, nhưng trong tình hình quân đội tiếp tục nắm giữ một vai trò đáng kể nhằm ngăn chặn các toán dân quân gây chia rẽ trong nước.
Một đảng được quân đội hậu thuẫn tuyên bố đã thắng áp đảo trong cuộc bầu cử.
Một số chuyên gia về Miến Điện nói rằng tuy có nhiều khiếm khuyết, cuộc bầu cử có thể đem lại hy vọng tốt nhất cho sự thay đổi một cách dần dà.
Nhưng ông Thayer nói bà Aung San Suu Kyi không còn nhiều thời giờ để can dự vào chính sự nữa.
Ông Thayer nói: “Hy vọng là bà có đủ thông minh để tìm cách lèo lái vào lúc này.Và phải theo một đường lối dần dà. Phải từ tốn. Và có lẽ phải tham gia với các nước và các phong trào trong khu vực để tìm cách chấp nhận điều dường như là một khe hở nhỏ rồi tìm cách mở rộng hơn.”
Các tổ chức nhân quyền nói rằng Miến Điện có một trong những chính phủ áp bức nhất thế giới. Có hơn 2 ngàn tù nhân chính trị trong các nhà tù và quân đội bị cáo buộc là cưỡng bách lao động, tra tấn, cưỡng hiếp và giết người một cách có hệ thống.
Bà Aung San Suu Kyi cho biết bà sẽ tiếp tục thúc đẩy việc chấm dứt những vụ vi phạm.
Nhưng ông Case của Hong Kong nói nếu bà quá lớn tiếng chỉ trích chính phủ thì bà có thể bị bịt miệng một cách dễ dàng.
Ông Case nói tiếp: “Và nếu bà có vẻ như hoạt động hữu hiệu hơn và bắt đầu đề ra một thách thức nào đó đối với giới lãnh đạo trong nước, thì như mọi người đều nói, thì bà lại bị đặt trở lại tình trạng quản thúc tại gia ngay.”
Bà Aung San Suu Kyi nói phe đối lập không có ý định xung đột với chính phủ và NLD hy vọng quân đội hiểu cho rằng xung đột không phải là giải pháp cho các vấn đề của Miến Điện.
NLD đã thắng trong cuộc bầu cử kỳ trước tại Miến Điện vào năm 1990, nhưng quân đội đã làm lơ trước kết quả và đặt bà Aung San Suu Kyi trong tình trạng quản thúc tại gia phần lớn thời gian trong 2 thập niên vừa qua.
Lãnh tụ tranh đấu cho dân chủ Aung San Suu Kyi đang tìm cách trở lại chính trường chỉ vài ngày sau khi được phóng thích khỏi tình trạng quản thúc tại gia. Nhưng các chuyên gia phân tích thời cuộc trong vùng nói rằng khả năng đem lại thay đổi của khôi nguyên giải Nobel hòa bình có thể rất hạn hẹp, một phần bởi vì bà lại có thể bị bỏ tù nếu bà thúc đẩy chính phủ quân nhân quá mạnh. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1