Một số các nhà phân tích thời cuộc đã gợi ý rằng giới cầm quyền quân nhân Miến trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi là nhắm mục đích tuyên truyền, để tạo uy tín cho cuộc bầu cử vừa diễn ra và cho một quốc hội do dân sự lãnh đạo.
Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã Associated Press hôm thứ Năm, bà Aung San Suu Kyi từ chối không đưa ra lý do nào khác về chuyện tại sao chính phủ quân nhân chấm dứt lệnh quản chế bà. Bà nói:
“Tôi không cho là có lý do gì khác trong việc trả tự do cho tôi ngoài chuyện bản án đã hết hạn và không có một lý do gì ngay vào lúc này để kéo dài thêm thời hạn quản chế tôi.”
Kể từ khi được ra khỏi nhà lần đầu tiên kể từ 7 năm nay vào thứ Bảy tuần trước, bà Aung San suu Kyi đã kêu gọi mở thảo luận về hòa giải quốc gia với lãnh tụ quân nhân Than Shwe. Nhưng lên tiếng trong cuộc phỏng vấn, bà nói rằng chính phủ chưa tiếp xúc với bà.
Bà Aung San Suu Kyi gọi vụ quản thúc tại gia áp đặt cho bà là bất hợp pháp. Nhưng lãnh tụ đối lập 65 tuổi này nói rằng bà không hề lấy làm tiếc đã ở lại Miến Điện thay vì tránh bị tù tội bằng cách sang Anh quốc sum họp với gia đình:
“Tôi đã có một chọn lựa, và khi tôi chọn lựa, tôi biết là sẽ có nhiều rắc rối. Khi quí vị đưa ra một chọn lựa, quí vị phải chuẩn bị chấp nhận những hệ quả. Tôi tin tưởng rất nhiều vào ý thức trách nhiệm và chuyện bị buộc phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.”
Năm 1988, bà Aung San suu Kyi đã chọn đứng ra lãnh đạo công cuộc tranh đấu cho dân chủ khi những cuộc biểu tình rầm rộ bột phát chống lại việc phe quân nhân cầm quyền đã gần 3 thập niên. Là con gái của nhà lãnh đạo công cuộc tranh đấu giành được độc lập cho Miến Điện từ tay người Anh, bà Aung San Ssuu Kyi mau chóng được coi là người của toàn dân, và những người tranh đấu cho dân chủ chấp nhận bà là lãnh đạo của họ.
Một năm sau đó, nhà cầm quyền quân nhân bắt giữ bà và bà bị quản thúc tại gia mãi cho đến năm 1995. Bà đã chọn ở lại Miến Điện vì sợ nhà cầm quyền không cho bà trở về nếu ra khỏi nước. Đến năm 2003 bà lại bị quản chế.
Bằng cách chọn lựa vai trò tranh đấu cho dân chủ, bà đã phải hy sinh vai trò làm mẹ. Trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Năm, bà Aung San Suu Kyi hồi cố lại quyết định đó của bà:
“Các con tôi rất ngoan với tôi, và chúng không được khá lắm kể từ gia đình chúng tôi bị chia cắt, nhất là từ khi nhà tôi, tức là cha của các cháu, anh Michael, từ trần. Anh là một người cha rất tốt với con.”
Mặc dù có những khó khăn về chuyện gia đình, bà Aung San Suu Kyi cho biết bà sẽ không thay đổi chương trình làm việc:
“Tôi nên tiếp tục cuộc sống như thế này cho đến khi chúng ta có được một nước Miến Điện dân chủ.”
Kể từ khi được trả tự do, bà Aung San suu Kyi rất thận trọng không lên tiếng kêu gọi lật đổ chính phủ, tuy nhiên bà vẫn không hề sờn lòng trong việc đòi hỏi thay đổi chính trị.
Khôi nguyên giải Nobel hòa bình không bỏ phí thời giờ, lập tức trở lại ngay với vai trò của nhân vật tranh đấu cho dân chủ Miến Điện trực ngôn nhất kể từ khi lệnh quản chế bà chấm dứt trong tuần qua. Bà đã nói chuyện với thân nhân từ lâu không được liên lạc, các đảng viên, luật sư và ký giả về những dự tính của bà cho tương lai. Nhưng một người mà bà chưa nói chuyện có thể lại là nhân vật quan trọng nhất trong cuộc tranh đấu của bà, đó là lãnh tụ quân nhân Than Shwe. Theo tường trình của thông tín viên Kate Woodsome của VOA, bà Aung Sann Suu Kyi nói rằng việc chấm dứt lệnh quản thúc bà không phải là bằng chứng cho thấy chính phủ quân nhân Miến đang nới lỏng bớt chính sách của họ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1