Trung Quốc hoàn toàn tin tưởng về lộ trình tiến đến dân chủ của Miến Điện sau khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do, như lời Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hong Lei:
“Trung Quốc tin tưởng các chính sách của Miến Điện về ổn định và phát triển kinh tế sẽ tiếp tục với lộ trình 7 điểm. Trung Quốc hoàn toàn tin tưởng Miến Điện sẽ duy trì hòa bình và ổn định, phát huy hòa giải sắc tộc, phát triển kinh tế xã hội.”
Ông Hong Lei không nhắc đến trường hợp của bà Aung San Suu Kyi, vừa được chính quyền quân sự Miến Điện trả tự do.
Nhiều nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới hy vọng trường hợp của bà này sẽ gây áp lực lên Trung Quốc để trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm nay.
Ông Shang Baojun, luật sư của ông Lưu Hiểu Ba cho biết:
“Chúng tôi hy vọng việc thả bà Aung San Suu Kyi sẽ tăng thêm sức mạnh cho lời kêu gọi thả ông Lưu, nếu chính phủ Trung Quốc theo gương và hành động giống như chính phủ Miến Điện. Nhưng thật tình tôi cũng không lạc quan.”
Phát ngôn viên Hong Lei không chịu trả lời thêm câu hỏi nào của các nhà báo liên quan đến ông Lưu.
Chính phủ Trung Quốc tỏ ra khó chịu về chuyện ông Lưu được giải và đã yêu cầu các nhà ngoại giao của các nước không nên đến dự lễ trao giải Nobel ngày 10 tháng 12 tại Na Uy.
Họ cũng cấm công dân không được lãnh giải thay cho ông Lưu. Trước mắt, họ đã cấm xuất ngoại bà Lưu và các người cùng ký Hiến chương 08 với ông.
Trung Quốc coi trọng chuyện ổn định của Miến Điện, láng giềng phía Nam của họ; e ngại các vụ xung đột sắc tộc, các bang đảng ma túy vùng biên giới có thể lan sang Trung Quốc giống như trước đây.
Trung Quốc đang đầu tư mạnh tại Miến Điện; mua của nước này nhiều nguồn lực tự nhiên, như khí đốt hoặc gỗ.
Trung Quốc tin tưởng nước láng giếng Miến Điện của họ sẽ tiếp tục ổn định sau khi bà Aung San Suu Kyi được trả tự do. Nhưng một giới chức Trung Quốc không chịu trả lời liệu tấm gương của bà này có ảnh hưởng đến số phận của ông Lưu Hiểu Ba, người cũng được giải Nobel Hòa bình và đang bị Trung Quốc giam cầm.