Đường dẫn truy cập

Sudan bắt đầu kiểm phiếu sau cuộc trưng cầu dân ý


Hơn 80% của gần 4 triệu cử tri ghi danh đi bầu đã đến phòng phiếu, vượt xa con số 60% đòi hỏi để kết quả được chấp nhận là hợp pháp
Hơn 80% của gần 4 triệu cử tri ghi danh đi bầu đã đến phòng phiếu, vượt xa con số 60% đòi hỏi để kết quả được chấp nhận là hợp pháp

Tại Nam Sudan, các giới chức bầu cử đang bắt đầu kiểm phiếu sau cuộc trưng cầu dân ý về độc lập trong tuần trước. Kết quả sơ khởi cho thấy khu vực này chọn ly khai ra khỏi phần còn lại của Sudan với một đa số áp đảo để trở thành một quốc gia mới nhất ở châu Phi.

Kết quả sơ khởi sau cuộc trưng cầu dân ý bắt đầu được công bố ở bên ngoài mỗi địa điểm đầu phiếu tại miền nam Sudan.

Kết quả sơ khởi còn cần phải được các giới chức bầu cử tại Juba kiểm chứng trước khi công bố kết quả chính thức, có lẽ trong vài tuần lễ nữa.

Chủ tịch Ủy ban Trưng cầu Dân ý Nam Sudan, ông Mohamed Ibrahim Khalil, ca ngợi cuộc bầu cử. Ông nói: "Tôi đã theo dõi một số cuộc bầu cử tại quốc gia này. Theo tôi thì đây là cuộc bầu cử êm thắm nhất, trật tự nhất, và tôi cho rằng đây thực sự là một thành quả to lớn."

Ông cho biết hơn 80% của gần 4 triệu cử tri ghi danh đi bầu đã đến phòng phiếu, vượt xa con số 60% đòi hỏi để kết quả được chấp nhận là hợp pháp.

Phải có một đa số 50% cử tri đi bầu đồng ý ly khai thì mới đáp ứng được đòi hỏi thứ nhì của cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập.

Hàng ngàn quan sát viên của Sudan và từ nước ngoài đã đến đã theo dõi cuộc bỏ phiếu. Quan sát viên Liên Hiệp châu Âu, ông Martin Ehrenhauser bày tỏ sự hài lòng với tiến trình bầu cử tính cho đến giờ này: "Tiến trình bầu cử diễn ra theo một cung cách rất an ninh và được tổ chức rất giỏi."

Liên Hiệp châu Phi công bố một phúc trình sơ khởi, nói rằng Liên Hiệp thấy cuộc đầu phiếu này tự do và khả tín, và là một phản ánh đích thực ý nguyện của nhân dân miền nam Sudan."

Tổng thống Sudan Omar al-Bashir đã đến thăm khu vực này trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý và nói rằng chính phủ ông sẽ chấp nhận kết quả.

Nếu được xác nhận, quốc gia mới sẽ xuất hiện trong vòng 6 tháng, khi mà bản Hiệp Định Chính Trị Toàn Diện giữa miền bắc và miền nam hết hạn.

Hiệp định này, được ký 6 năm trước đây, đã giúp chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 2 thập niên và dọn đường cho cuộc trưng cầu dân ý.

Nhưng các quan sát viên nói rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Đó là vấn đề vẽ đường biên giới, chia nguồn lợi dầu hỏa và trả nợ nước ngoài cùng tương lai của khu vực Abyei là nơi mà các vụ đụng độ trong tuần qua đã khiến hàng chục người thiệt mạng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG