Cờ Sudan tung bay phấp phới trong gió ở bên ngoài đại sứ quán nước này ở London trong lúc một nhóm người miền bắc Sudan tụ họp để gửi đi một thông điệp bày tỏ nỗi đau buồn về việc mất đi một phần quốc gia của họ và về sự kiện các đồng bào của họ ở nam Sudan quyết định ly khai.
Ông Tariq Elgady là một trong số những người có mặt tại cuộc tập hợp này. Ông nói nếu người miền nam Sudan đã bỏ phiếu ly khai thì đây sẽ là một quyết định dễ hiểu sau nhiều năm bị đối xử tệ, nhưng ông nói ông sẽ thương tiếc việc mất đi một phần của quốc gia. Ông nói: "Tôi cảm thấy tiếc vì quốc gia rộng lớn của chúng tôi đang thực sự bị phân chia manh mún."
Người dân miền nam Sudan đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý để quyết định xem họ có muốn quốc gia rộng lớn nhất châu Phi này sẽ có chia thành hai nước hay không.
Một cựu tổng quản lý Hệ thống Hỏa Xa Sudan, ông Hashim Mohamed Ahmed, đã đến tham gia cuộc tập hợp tại London, nói rằng miền bắc Sudan sẽ chịu nhiều thống khổ nếu không giữ được miền nam. Sudan là một quốc gia chính sản xuất dầu hỏa tại châu Phi nhưng 3/4 trữ lượng dầu hỏa của họ nằm ở miền nam.
Ông nói rằng Tổng thống Al-Bashir, lên nắm quyền vào năm 1989 bằng một vụ đảo chính, là người bị qui trách nhiệm cho việc mất đi phần đất này của quốc gia. Ông nói: "Cũng về phương diện chính trị, đối với chúng tôi, chính phủ này bị qui trách nhiệm một phần trong việc đã để mất phần đất này của quốc gia."
Kinh tế gia Sudan làm việc tại London, ông Mohamed Ahmed Mansour nói rằng độc lập có thể là điều tốt nhất cho những người dân miền nam. Nhưng theo ông, những người dân miền bắc sẽ bị bỏ lại với giới lãnh đạo chuyên chế, áp bức in hệt như hiện tại dưới quyền Tổng thống Omar al-Bashir. Ông đưa ý kiến: "Ở miền bắc, chúng tôi vẫn có những vấn đề in hệt như bây giờ, nhất là khi nói tới chế độ hiện hành, vẫn tận tình đàn áp dân chúng và không có một chút quyền tự do. Tương lai của miền bắc thực u ám."
Nhưng ông cũng cho rằng độc lập cho miền nam có thể đưa đến thay đổi ở miền bắc. Ông cho biết tiếp: "Điều đó còn tùy vào miền nam thiết lập một quốc gia như thế nào, và họ để cho nhân dân được tự do đến mức nào. Và dứt khoát điều đó sẽ là một động lực thúc đẩy miền bắc theo gương miền nam. Nhưng nếu như miền nam không thành công được trong việc thiết lập một quốc gia tự do và thịnh vượng thì rồi ra miền bắc sẽ thực sự thất vọng."
Một nhóm người Sudan hầu hết là miền bắc, đã tụ họp ở bên ngoài đại sứ quán Sudan tại London để đánh dấu nỗi "đau buồn tự đáy lòng" về sự mất đi một lịch sử chung với những đồng bào miền nam. Cuộc biểu tình này được tổ chức một ngày sau khi cuộc trưng cầu dân ý kéo dài một tuần lễ kết thúc, theo đó có phần chắc là miền nam sẽ trở thành một quốc gia độc lập tách khỏi Sudan.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1