Đường dẫn truy cập

ST 25, tam nông và chính phủ… quáng gà!


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thuộc Bộ Khoa học – Công nghệ - Môi trường (Bộ KHCNMT) vừa lên tiếng về sự kiện gạo ST25 có nguy cơ bị cưỡng đoạt thương hiệu tại Mỹ. Theo đó, ST25 là tên một giống cây nên không cá nhân, tổ chức nào có thể đăng ký bảo hộ độc quyền tại Việt Nam hay tại Mỹ. Nếu “ST25” được đăng ký để tìm kiếm sự bảo hộ nhằm độc quyền về nhãn hiệu thì các cá nhân, tổ chức liên quan đều có thể phản đối trên cơ sở dấu hiệu “ST25” là tên giống cây (1).

Đó là thông tin mới nhất liên quan đến gạo ST25 sau khi dư luận bị khuấy động bởi sự kiện, bốn hoặc năm doanh nghiệp tại Mỹ đã đăng ký xin bảo hộ thương hiệu gạo ST25 – giống gạo đã vài lần được công nhận là nằm trong nhóm gạo ngon nhất thế giới (2).

Nên lưu ý, Cục SHTT là một cơ quan hữu trách trong hệ thống công quyền tại Việt Nam. Cục này căn cứ vào các qui phạm pháp luật của Việt Nam và quốc tế về thương hiệu - sở hữu thương hiệu để loan báo như thế. Tuy nhiên cách nay ít ngày, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Cục XTTM) thuộc Bộ Công Thương - một cơ quan hữu trách khác trong hệ thống công quyền - lại nói… khác: Chủ thương hiệu gạo ST25 phải khẩn trương bảo vệ thương hiệu (3).

Cứ như lời Cục trưởng Cục XTTM thì… trong đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, chính phủ sẽ không làm thay doanh nghiệp mà chỉ tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của bảo vệ thương hiệu và cảnh báo. Doanh nghiệp phải chấp nhận mất thời gian, chi phí để thuê luật sư, chuyên gia, phải tìm hiểu từ cơ quan có thẩm quyền nhằm có thêm thông tin khi nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng…

Khoan bàn đến việc có cần đăng ký bảo hộ độc quyền sử dụng thương hiệu gạo ST25 không, cũng khoan bàn đến việc chính phủ có nên hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài không, chỉ riêng chuyện hai cơ quan có thẩm quyền của hai bộ khác nhau trong cùng một chính phủ nhận định ngược nhau đã đủ để thấy hiệu quả hoạt động của hệ thống công quyền thế nào, mức độ đáng tin cậy ra sao, doanh nhân, doanh nghiệp, nông dân, nông nghiệp có thể trông cậy, dựa vào hay không!

***

ST25 là tên giống lúa do ông Hồ Quang Cua – một kỹ sư nông nghiệp sinh ra, lớn lên và cả đời gắn bó với Sóc Trăng (ST) – nghiên cứu, thử nghiệm suốt 20 năm. ST24, rồi ST25 lần lượt đạt được những giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi về gạo ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam và trong vài năm gần đây được xếp hạng là những loại gạo ngon nhất thế giới (hạt dài, trắng trong, không bạc bụng, khi nấu thành cơm thì dẻo, thơm, khi để nguội cơm vẫn ngon, không bị cứng).

Những ST24, ST25 không chỉ cho cơm ngon. Các loại giống này không bị lây, nhiễm những bệnh, dịch thường thấy trên cây lúa (sọc trong, đạo ôn lá, khoan cổ bông...) nên nông dân có thể tiết kiệm mộ khoản đáng kế vốn vẫn phải chi cho các loại hóa chất để phòng ngừa – tiêu diệt mầm bệnh. Đó cũng là lý do ST24, ST25 giúp giảm thiểu ô nhiễm cho môi trường (ruộng đồng, sông rạch, không khí), cho đất. ST 24, ST25 cũng không cần đất tốt, không cần trồng dài ngày nhưng sản lượng cao (4)…

Các giống lúa ST của những Hồ Quang Cua, Nguyễn Tấn Phương, Trần Thị Thu Hương đã giúp hàng chục ngàn gia đình nông dân ở Sóc Trăng thoát khỏi đói nghèo. Đó cũng là lý do ông Cua được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

***

Hệ thống chính trị Việt Nam từng tuyên bố sẽ đầu tư cho tam nông (nông dân, nông thôn, nông nghiệp) từ 2008. Sau nghị quyết về tam nông (Nghị quyết 26 NQ/TW của BCH TƯ đảng CSVN khóa 10), hệ thống công quyền bắt đầu dốc ngân sách thực hiện chương trình “xây dựng nông thôn mới”. Từ 2010 đến 2015 đã có 850 tỉ được chi cho chương trình này, từ 2016 đến 2020 chi thêm 193.000 tỉ nữa cho “xây dựng nông thôn mới” nhưng nông dân, nông thôn và nông nghiệp thì càng ngày càng tàn tạ như đã biết và đang thấy.

Cứ xem hiệu quả của những ST24, ST25 đối với cả kinh tế lẫn xã hội, cứ đem triển vọng của những ST24, ST25 đối với nông dân, nông thôn, nông nghiệp so với cách hành xử của chính phủ thông qua Cục SHTT thuộc Bộ KHCNMT và Cục XTTT của Bộ Công Thương, ắt sẽ thấy, việc nông dân lũ lượt dắt díu nhau bỏ xứ tha phương cầu thực ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, nông thôn xơ xác, tiêu điều, nông nghiệp càng ngày càng cần nhiều đợt “giải cứu nông sản” là… hệ quả tất yếu!

Dường như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền mặn mòi với chương trình “xây dựng nông thôn mới” vì chương trình ấy do chính phủ làm… chủ đầu tư nên có thể thẳng tay chi tiêu từ tiền thuế đến tiền hỏi vay bá tánh. Còn ST25 là của ông… Cua cho nên chỉ cần chỉ đạo ông… khẩn trương và cung cấp cho ông một mớ thông tin mà tự chúng mâu thuẫn nhau kịch liệt là… xong. Chẳng phải chỉ có Cục SHTT, Cục XTTT mà cả Bộ KHCNMT, Bộ Công Thương lẫn chính phủ đều đã… hoàn thành nhiệm vụ một cách… xuất sắc!

Chú thích

(1) https://dantri.com.vn/kinh-doanh/gao-st-25-bi-danh-cap-tai-my-hieu-the-nao-cho-dung-20210426115150232.htm

(2) https://vnexpress.net/gao-st25-bi-doanh-nghiep-my-dang-ky-thuong-hieu-4266600.html

(3) https://tuoitre.vn/bo-cong-thuong-thuong-hieu-gao-st25-chua-mat-ong-ho-quang-cua-phai-khan-truong-20210422120255591.htm

(4) https://dantri.com.vn/xa-hoi/ky-su-ho-quang-cua-tu-cay-lua-la-den-giong-gao-ngon-nhat-the-gioi-20200127141409390.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG