Các giới chức Nam Triều Tiên nói họ đã được các đối tác ở Washington bảo đảm rằng những cắt giảm lớn về quốc phòng sẽ không ảnh hưởng tới lực lượng Hoa Kỳ tại đây.
Trong vòng một số năm sắp tới, Hoa Kỳ dự kiến sẽ cắt giảm hàng trăm tỷ đôla chi phí quốc phòng. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng dự kiến sẽ cắt dần từ 10 tới 15% nhân lực.
Thứ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Kwan-bin cho biết các giới chức Hoa Kỳ đã nói rõ với ông rằng họ cam kết tăng cường hợp tác an ninh tại khu vực bất chấp cắt giảm ở các nơi khác.
Ông Lim nói rằng việc cắt giảm binh sĩ Hoa Kỳ sẽ không diễn ra trên bán đảo Triều Tiên. Ông nói thêm rằng cùng với các binh sĩ tại ngũ, Hoa Kỳ sẽ có thể dựa vào nguồn lực lượng trừ bị, trong trường hợp xảy ra các vụ xung đột.
Nhưng các nhà phân tích quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết họ quan ngại rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, việc quân đội Hoa Kỳ cắt bớt ngân sách quốc phòng đồng nghĩa với chuyện có ít quân tiếp viện bộ binh của Hoa Kỳ và sẽ mất nhiều thời gian hơn để lực lượng có thể tới được Nam Triều Tiên.
Ông Baek Seung-joo là giám đốc Trung tâm An ninh và Chiến lược tại Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên tại Seoul. Ông Baek nói rằng hiện có các quan ngại về việc cắt giảm lực lượng Hoa Kỳ và ảnh hưởng của nó đối với toàn bộ chiến lược quốc phòng của Seoul.
Nhiều năm qua, Nam Triều Tiên đã lập kế hoạch đảm trách thêm trách nhiệm quốc phòng của riêng mình. Theo hoạch định, trong chưa đầy 4 năm nữa, nước này sẽ đảm trách hoạt động của các lực lượng trên bán đảo trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến khác với Bắc Triều Tiên.
Hiện thời, các lực lượng Nam Triều Tiên sẽ nằm dưới quyền chỉ huy của quân đội Hoa Kỳ nếu xảy ra một cuộc đụng độ như trong quá khứ.
Trong một bài xã luận hôm qua, báo New York Times gọi sách lược quốc phòng mới là “một viễn kiến nói chung là thực tiễn,” nhưng cũng cảnh báo rằng Hoa Kỳ phải sẵn sàng ứng phó với nhiều tình huống, trong đó có khả năng một “nhà lãnh đạo mất quân bình của Bắc Triều Tiên” thực hiện một cuộc xâm lăng liều lĩnh vượt qua biên giới Nam Triều Tiên.
Trên nguyên tắc, hai miền Triều Tiên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh vì hai nước chưa ký một hòa ước mà chỉ ký vào hiệp định đình chiến năm 1953 sau 3 năm xảy ra xung đột tàn phá khắp bán đảo Triều Tiên.
Cho dù Tổng thống Hoa Kỳ trấn an rằng các cắt giảm quốc phòng được thông báo hôm qua sẽ không được thực hiện mà không xét tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hiện vẫn có tâm lý lo lắng ở Nam Triều Tiên. Đây là nơi Hoa Kỳ vẫn duy trì 28.000 binh sĩ và vẫn hoạt động gần 20 căn cứ và doanh trại kể từ khi bắt đầu sự hiện diện thường trực trên bán đảo sau khi bùng ra cuộc chiến Triều Tiên năm 1950.