Các nhà ngoại giao tại Seoul công nhận rằng có rất ít thông tin về những gì đang diễn ra ở Bình Nhưỡng trong bối cảnh chuyển giao quyền lãnh đạo.
Trong thời gian bất định này, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kurt Campbell nói rằng tất cả các thành viên trong chính quyền Hoa Kỳ, kể cả các cố vấn quân sự và an ninh quốc gia đang đều có cùng chung quan điểm và đều đang liên lạc thường xuyên với các đồng minh của Washington trong khu vực.
Ông Campbell nói: “Chúng tôi đang theo dõi thường xuyên tình hình ở đó, thường xuyên trao đổi quan điểm, đánh giá, hội ý chặt chẽ và phối hợp tích cực mọi hoạt động của chúng tôi.”
Hoa Kỳ đang hy vọng Trung Quốc, nước được coi là có khả năng gây ảnh hưởng nhiều nhất đối với Bình Nhưỡng, sẽ nói rõ cho tân lãnh đạo Bắc Triều Tiên về điều mà ông Campbell gọi là “tầm quan trọng của sự tự chế.”
Trong số những người mà ông Campbell gặp ngày hôm nay có Bộ trưởng Ngoại giao Nam Triều Tiên Kim Sung-hwan.
Ông Kim phát biểu với báo chí rằng Seoul đã sẵn sàng nối lại các cuộc hội đàm tay đôi với Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Triền Tiên phải là nước khởi xướng các cuộc đàm phán đó.
Tuy nhiên, ông Kim nói rằng chưa rõ sau cái chết của ông Kim Jong Il ai thực sự đang điều hành Bắc Triều Tiên. Ông lưu ý rằng Kim Jong Un, người con trai thứ ba của nhà lãnh đạo quá cố, đã được phong một số chức danh, như tư lệnh tối cao của quân đội và phó chủ tịch đảng chính trị duy nhất của nước này. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nam Triều Tiên nói thêm rằng cũng chưa rõ liệu ông Kim, người chưa đến 30 tuổi, giờ có phải là người thực sự lãnh đạo chính phủ hay không.
Bắc Triều Tiên chưa tỏ dấu cho thấy họ đã sẵn sàng giao tiếp lại với miền Nam sau khi loan báo về cái chết của ông Kim Jong Il hồi tháng trước.
Những bình luận gần đây trên báo chí nhà nước đã tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ giao tiếp với chính quyền của Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak, có vẻ là bởi vì – theo truyền thông Bắc Triều Tiên – ông đã không bày tỏ lòng thương tiếc một cách đúng đắn về sự ra đi của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
Nhưng, hôm nay, bộ trưởng ngoại giao Nam Triều Tiên đã phủ nhận những bình luận như vậy và nói rằng không nên chú ý tới điều đó. Ông nói rằng Bắc Triều Tiên dường như vẫn chưa quyết định về lập trường của họ khi giao dịch với thế giới bên ngoài.
Chỉ vài tuần sau khi Bắc Triều Tiên loan báo cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong Il, hoạt động ngoại giao đã được nối lại để tìm cách giao tiếp với Bình Nhưỡng. Một nhà ngoại giao Mỹ đang tiến hành các cuộc hội đàm ở Bắc Kinh, Seoul và Tokyo. Và Tổng thống Nam Triều Tiên sẽ thảo luận về vấn đề Bắc Triều Tiên trong một chuyến công du tới thủ đô của Trung Quốc trong tuần tới. Thông tín viên đài VOA Steve Herman gửi về bài tường trình chi tiết từ Seoul.