Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên nhìn thấy cơ hội cải thiện quan hệ với miền Bắc


Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak đọc bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc nhân dịp Năm mới tại Seoul, ngày 2/1/2012
Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak đọc bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc nhân dịp Năm mới tại Seoul, ngày 2/1/2012

Tổng thống Nam Triều Tiên dự báo ‘các thay đổi lớn’ trên bán đảo Triều Tiên sau khi lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Il qua đời hồi tháng trước. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây.

Trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc nhân dịp Năm mới hôm nay, Tổng thống Lee Myung-bak nói về một bước đột phá ông hy vọng sẽ dẫn tới tiến bộ.

Ông Lee cho biết Nam Triều Tiên sẵn sàng giải quyết các quan ngại an ninh trên bán đảo và cung cấp viện trợ để cải thiện nền kinh tế của Bắc Triều Tiên nghèo khó. Nhưng ông giải thích rằng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình hạt nhân của họ và một thỏa thuận có thể đạt được tại các cuộc đàm phán sáu bên.

Các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã bị ngưng trệ nhiều năm qua.

Tổng thống Nam Triều Tiên cũng nhắc lại cảnh báo rằng Seoul sẽ đáp trả mạnh mẽ bất kỳ sự khiêu khích nào từ Bình Nhưỡng.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ sau hai vụ việc gây chết người hồi năm ngoái mà Nam Triều Tiên đã đổ lỗi cho miền bắc: đó là vụ đánh chìm một tàu chiến của lực lượng tuần duyên hải quân và vụ pháo kích một hòn đảo gần khu vực lãnh hải tranh chấp ở Hoàng Hải.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục gay gắt chỉ trích Tổng thống Nam Triều Tiên. Bài bình luận mới nhất trên tờ báo đảng Rodong Sinmun yêu cầu ông Lee ‘quỳ gối và xin lỗi’ vì quan điểm của ông đối với miền Bắc.

Bình Nhưỡng không có quan hệ ngoại giao với cả Seoul lẫn Washington. Hai miền Triều Tiên chưa từng ký một hòa ước sau cuộc nội chiến 6 thập kỷ trước. Nhưng trong năm 2011, Bắc Triều Tiên đã tham gia các cuộc đàm phán sơ bộ, song phương và riêng rẽ với cả Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ. Các cuộc đàm phán trước cái chết của ông Kim Jong Il đã mang lại hy vọng rằng các cuộc đàm phán sáu bên về các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, vốn bị đình trệ bấy lâu nay, sẽ sớm tái khởi động trở lại.

Nhưng ưu tiên hàng đầu lúc này ở Bình Nhưỡng dường như là đảm bảo việc chuyển quyền có trật tự cho thế hệ thứ ba của gia đình họ Kim.

Xướng ngôn viên truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên hôm nay đã yêu cầu người dân tuân thủ tân chỉ huy tối cao Kim Jong Un cả về mặt chính trị lẫn quân sự.

Thông điệp năm mới đăng tải trên báo chí Bắc Triều Tiên một ngày trước đó kêu gọi mọi người trở thành ‘lá chắn sống’ để bảo vệ ông Kim ‘cho tới chết’.

Kim Jong Un, dưới 30 tuổi, chưa được trao toàn bộ các chức vụ lãnh đạo chính của người cha quá cố. Ngoài việc được chính thức tuyên bố là chỉ huy tối cao của quân đội và lãnh tụ đối cao của đảng phái chính trị duy nhất của đất nước, ông này giờ coi là ‘Người kế nhiệm vĩ đại’.

Hãng tin Bắc Triều Tiên cho biết ông Kim đã làm việc ngay trong ngày đầu năm mới. Ông đã tới viếng lăng thân phụ và ông nội, và đi thị sát một sư đoàn tăng thiết giáp của quân đội.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG