Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates là nhân vật mới nhất trên trường quốc tế đưa ra tín hiệu về khả năng tái đối thoại một cách hòa bình với Bắc Triều Tiên. Trong một cuộc gặp ngày hôm nay với người đồng nhiệm Nam Triều Tiên tại Seoul, ông Gates nói rằng bất kỳ một sự quay trở lại bàn đàm phán đa quốc nào với Bình Nhưỡng chỉ có thể diễn ra sau khi hai miền Triều Tiên gặp gỡ.
Ông Gates nói: “Chỉ khi nào hoặc nếu có được các hành động của Bắc Triều Tiên cho thấy lý do để tin tưởng rằng các cuộc đàm phán có thể đạt được hiệu quả và được tiến hành một cách thực tâm, thì chúng tôi mới tính đến việc trở lại bàn đàm phán sáu bên. Nhưng các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên phải ngưng các hành động khiêu khích nguy hiểm này và tiến hành các biện pháp cụ thể để chứng tỏ rằng họ sẽ bắt đầu đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế.”
Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Kwan-jin cho biết có quan ngại về khả năng Bình Nhưỡng lại khiêu khích quân sự, sau hai vụ tấn công hồi năm 2010.
Ông Kim đề cập với vụ chìm tàu chiến của Nam Triều Tiên và vụ pháo kích hòn đảo Yeonpyeong hồi năm ngoái. Ông nói rằng Nam Triều Tiên cảm thấy bị tấn công giữa lúc căng thẳng leo thang lên mức cao nhất trên báo đảo kể từ Cuộc chiến Triều Tiên sáu thập kỷ trước.
Oâng Gates cũng gặp Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak trong chuyến thăm ngắn ngủi tới nước này, vào lúc ông kết thúc chuyến thăm kéo dài một tuần tới châu Á.
Các giới chức Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên cho biết chặng dừng chân ở Seoul chủ yếu là nhằm thể thảo luận quan ngại chung của hai bên về đất nước cộng sản Bắc Triều Tiên, và nhằm tăng cường phòng thủ để đối phó với các khiêu khích từ Bình Nhưỡng.
Các quan ngại của Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên cũng được đề cập tới trong bài phát biểu hôm thứ Tư tại Washington của Chủ tịch Ban tham mưu trưởng liên quân, Đô đốc Mike Mullen.
Ông Mullen đãõ nhiều lần sử dụng các từ ‘nguy cơ’ và ‘nguy hiểm’ khi trả lời các câu hỏi về khả năng Bắc Triều Tiên tăng cường khả năng tấn công phi đạn nhằm không kích bên ngoài lãnh hải nước này.
Ông Mullen cho biết: “Các hành động khiêu khích có thể xảy ra sẽ trở nên ngày càng tai hại hơn. Và đó là trọng điểm chính khi chúng tôi cứu xét việc liên hệ với giới lãnh đạo tại Trung Quốc và các nước khác để cho nói rằng đây là điều chúng ta thực sự phải tìm ra một phương sách ngăn chặn trong tương lai.”
Ngoài Trung Quốc, ông Mullen cũng nói thêm rằng, Nam Triều Tiên, Nhật Bản và Nga cũng cần phải phối hợp thúc ép nhà nước Bắc Triều Tiên nghèo khó.
Các cuộc đàm phán sáu bên về chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã ngưng kể từ năm 2008. Bình Nhưỡng đã từ chối tham gia một cuộc thảo luận vào năm 2009. Hồi năm 2005, Bình Nhưỡng cam kết sẽ xóa bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ quốc tế cũng như các lợi ích ngoại giao.
Kể từ vụ pháo kích đảo Yeongpyeong, làm bốn người Triều Tiên thiệt mạng, Bắc Triều Tiên đã có một lụan điệu hòa hoãn hơn, và đã nhiều lần yêu cầu đàm phán.
Cho tới nay, Nam Triều Tiên đã bác bỏ đề nghị đó, và nói rằng Bình Nhưỡng đầu tiên phải cho thấy họ thành thật muốn chấm dứt các hành động khiêu khích cũng như đạt được tiến bộ về việc từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Các giới chức quốc phòng hàng đầu của Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên đã mở các cuộc hội đàm chớp nhoáng về vấn đề Bắc Triều Tiên. Trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã đề cập tới khả năng tái tục đàm phán với đất nước cộng sản ở phía bắc bán đảo Triều Tiên. Thông tín viên đài VOA Steve Herman gửi về bài tường thuật từ Seoul.