Chương trình này ra mắt độc giả hồi đầu năm, và đã thu hút được đông đảo fan tại Nam Triều Tiên. Chương trình phát thanh trên mạng hàng tuần mang tên Nanun Ggom Su Da, tạm dịch sang tiếng Anh là “Tôi là một kẻ nhỏ nhen đáng ghét”, trung bình được tải xuống 2 triệu lần trên hệ thống iTunes của Apple.
Chương trình này xen lẫn hài kịch với chính trị. Và tính mỉa mai châm biếm của nó thể hiện lập tức ngay sau khi độc giả bấm nút play (chạy) với lời giới thiệu:
“Chương trình này ca ngợi vị Tổng Thống tuyệt vời của chúng ta, và tên của Tổng Thống chúng ta là... Lee Myung Bak, Lee Myung Bak Lee Myung Bak,,,,Nanun Ggom Su Da"
Tổng Thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak chính là “kẻ nhỏ nhen đáng ghét” trong tựa đề của chương trình châm biếm chính trị.
4 người dẫn chương trình Na Ggom Su, như độc giả Nam Triều Tiên thường gọi ngắn gọn, châm biếm nhà lãnh đạo, và thường đề cập tới ông với tước hiệu dành cho các hoàng thân. Họ nói họ mang đến độc giả những tin tức mà giới truyền thông bảo thủ Nam Triều Tiên không tường trình.
Mới đây, các tác giả của chương trình podcast đã mở một cuộc họp báo ở Seoul.
Một trong các tác giả là ông Chung Bong-ju, từng là một nhà lập pháp thuộc đảng Dân Chủ đối lập. Ông Bong-ju nói quá nhiều người trẻ tuổi Nam Triều Tiên đã trở nên thờ ơ với các vấn đề chính trị của đất nước.
Ông Chung nói trong xã hội Triều Tiên, các chính trị gia thường không được tin cậy. Ông nói giới trẻ không quan tâm đến chính trị và chỉ có giới bảo thủ là thành phần duy nhất đi bầu, bởi vì những người trẻ tuổi không thấy chính trị ảnh hưởng tới đời sống của họ như thế nào.
Ông Chung nói đó là lý do vì sao ông muốn đưa chính trị đến với công chúng, và xem xét chính trị dưới một cái nhìn mới.
Chính tính hài hước chính trị hiếm có của chương trình podcast là lý do khiến nhiều thính giả tải chương trình xuống để nghe.
Và đó cũng là lý do vì sao bà Baek Ji-Min nói bà mê say theo dõi Na Ggom Su. Người phụ nữ 39 tuổi này nói rằng trước khi bắt đầu theo dõi chương trình, bà không quan tâm đến những gì xảy ra trong chính phủ Nam Triều Tiên.
Bà Baek nói những người trong chương trình chế nhạo nhà lãnh đạo của đất nước, là điều đó ít khi thấy xảy ra. Chương trình này làm cho bà buồn cười, nhưng sau đó, một khi chú ý tới nội dung thì bà đã học hỏi được rất nhiều điều.
Ông Kim Young-chul, một giáo sư môn chính trị học tại Đại học Busan nói, xét tình hình chính trị hiện tại ở Nam Triều Tiên, thì sự kiện Na Ggom Su nhanh chóng trở nên phổ cập đến thế không phải là điều đáng ngạc nhiên.
Giáo sư Kim cho rằng rất nhiều người Nam Triều Tiên cảm thấy như bị gạt ra ngoài tiến trình chính trị. Na Ggom Su tìm cách nói thay cho những người này. Giáo sư Kim nói chương trình này đã gây cái cảm tưởng là họ nói lên sự thật về các vấn đề chính trị với người Triều Tiên.
Nhưng Giáo sư Kim nhận xét rằng điều mà Na Ggom Su nói là sự thật, thực ra là một phản ánh của các thành kiến chống bảo thủ của chương trình.
Giáo sư Kim và nhiều người chỉ trích khác nói rằng những người dẫn chương trình đôi khi vượt quá ranh giới giữa hài kịch và việc phát tán các âm mưu chính trị.
Một chủ đề liên tục được chương trình podcast đề cập, là hiệp định thương mại tự do mới thông qua giữa Nam Triều Tiên với Hoa Kỳ, đã trực tiếp có lợi cho Tổng Thống Lee như thế nào.
Người dẫn chương trình Kim Ou-joon nói rằng những công nghiệp được hưởng lợi do hiệp định thương mại tự do mang lại, trong đó có rất nhiều người thân cận hoặc có liên hệ với Tổng Thống Lee. Ông Kim nói, nếu không phải như thế thì ông Lee Myung-bak đã không hối thúc việc thông qua hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn.
Phân tích gia Kim Young-chul nhận định trong khi Na Ggom Su đã thu hút được rất nhiều fan bằng cách tường trình về những hành động sai trái mà họ cáo buộc chính phủ Nam Triều Tiên, ông không tin là chương trình podcast này tự nó sẽ tác động tới các cuộc tổng tuyển cử năm 2012.
Ông Kim nói sự thiên vị chính trị của Na Ggom Su thu hút những người đã từng có chung các lý tưởng đó. Ông không tin rằng chương trình Na Ggom Su có thể thay đổi ý kiến của cử tri đủ trong năm tới, để tác động tới các cuộc bầu cử quốc hội hoặc bầu cử Tổng Thống năm tới.
Nhưng các bài tường trình của Na Ggom Su đã gây ra những vấn đề pháp lý cho những người dẫn chương trình này.
Họ đã từng bị truy tố về tội phổ biến các tin đồn đại trong cuộc chạy đua dành chức Thị trưởng Seoul hồi tháng 10. Một trong những người sáng lập chương trình đã bị bác đơn xin hộ chiếu vì một vụ truy tố đang được tiến hành, mà nguyên đơn chính là Tổng Thống Lee Myung-bak.
Người sáng lập Na Ggom Su, Kim Ou-joon, nói những người sáng lập chương trình sẽ không để cho các vụ kiện thưa đe dọa. Ông nói tuyên bố chương trình Na Ggom Su sẽ tiếp tục, ít nhất là cho tới khi Tổng Thống Lee Myung-bak không còn tại chức nữa.
Ông Kim nói chương trình này chỉ tồn tại trong lúc này, và sẽ biến mất sau cuộc bầu cử Tổng Thống kế tiếp.
Ông Kim hứa rằng một khi nhiệm kỳ Tổng Thống của ông Lee Myung Bak kết thúc vào tháng Hai năm 2013, thì các chuyện hài hước châm biếm ông, cũng sẽ chấm dứt.
Đông đảo fan theo dõi chương trình podcast châm biếm TT Nam Triều Tiên
- Jason Sthother
Một chương trình phát thanh trên mạng của Nam Triều Tiên là một trong những chương trình được tải xuống nhiều nhất trên internet. Đây là một chương trình trào phúng chính trị, châm biếm Tổng Thống Lee Myung-bak và chỉ trích các chính sách của ông. Nhưng một số quan sát viên cho rằng chương trình podcast này đã vượt qua làn ranh giữa hài kịch và âm mưu chính trị.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1