Đường dẫn truy cập

TT Nam Triều Tiên: Bắc Triều Tiên là một trong những nước 'hiếu chiến' nhất thế giới


Tổng thống Lee Myung Bak cảnh cáo Bắc Triều Tiên rằng bất kỳ một hành vi khiêu khích nào khác cũng sẽ được đáp trả 'một cách quyết liệt và mạnh mẽ'
Tổng thống Lee Myung Bak cảnh cáo Bắc Triều Tiên rằng bất kỳ một hành vi khiêu khích nào khác cũng sẽ được đáp trả 'một cách quyết liệt và mạnh mẽ'

Tổng thống Nam Triều Tiên đã bênh vực cho việc gia tăng áp dụng đạo luật gây tranh cãi về an ninh quốc gia bằng cách sử dụng những lời lẽ cứng rắn để chỉ trích Bắc Triều Tiên.

Tổng thống Lee Myung Bak đã một lần nữa sử dụng những lời lẽ cứng rắn khi nói về Bắc Triều Tiên, với những ngôn từ có phần chắc sẽ làm cho Bình Nhưỡng tức giận và gây lo ngại cho những người ở Nam Triều Tiên muốn theo đuổi một đường lối mềm mỏng hơn với miền bắc theo chủ nghĩa Cộng Sản.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài phát thanh công cộng NPR của Mỹ, nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên đã bênh vực cho Luật An ninh Quốc gia của nước ông, một đạo luật ngày càng được sử dụng nhiều hơn để bắt giữ những người oa trữ hay phát tán tài liệu tuyên truyền của Bắc Triều Tiên. Những người chỉ trích cho rằng đó là một hành vi chà đạp tự do ngôn luận, nhưng ông Lee Myung Bak nói rằng luật đó là cần thiết.

Ông phát biểu như sau qua lời một thông dịch viên:

"Lúc nào chúng tôi cũng phải nhớ tới những hoàn cảnh rất đặc biệt và độc đáo của Bắc Triều Tiên ngày nay. Chúng tôi, trong hơn 60 năm nay, đã phải đối mặt với một trong những nước trang bị vũ khí hùng hậu nhất và hiếu chiến nhất thế giới. Nếu quí vị xét tới điều này, và nếu quí vị là một người sinh sống trong một nước như vậy, thì quí vị sẽ hiểu được là chúng tôi cần có những luật lệ như vậy để bảo vệ cho lối sống của mình."

Ông Bruce Bennet là một nhà phân tích cấp cao về quốc phòng của Rand Corporation, một tổ chức nghiên cứu ở Washington chuyên tư vấn cho chính phủ Hoa Kỳ. Ông cảm thấy lo ngại về việc nhà lãnh đạo Nam Triều Tiên mô tả Bắc Triều Tiên là “một trong những nước trang bị vũ khí hùng hậu nhất và hiếu chiến nhất thế giới”.

Ông cho rằng cách tốt nhất để Nam Triều Tiên chống lại những luận điệu tuyên truyền mà ông gọi là “độc địa” của Bắc Triều Tiên là không tham gia vào việc chửi bới nhau. Ông nói:

"Tổng thống Lee Myung Bak đã làm một việc sai lầm. Tôi thông cảm với hoàn cảnh của ông ấy. Những điều ông ấy nói cũng có phần đúng, và vì thế cho nên, xét về khía cạnh này thì chúng ta khó lòng mà nói là ông ấy đã làm một việc xấu."

Hai miền Triều Tiên đã giao tranh với nhau 3 năm trong cuộc nội chiến hồi đầu thập niên 1950. Cho đến nay đôi bên trên lý thuyết vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh vì chưa ký kết một hòa ước.

Các mối quan hệ Liên Triều đã bị xấu đi rất nhiều hồi năm ngoái với hai vụ tấn công gây tử vong cho 50 người Nam Triều Tiên mà Seoul đổ lỗi cho Bắc Triều Tiên.

Sau vụ pháo kích vào đảo Yeonpyeong, gần ranh giới có tranh chấp trên biển Hoàng Hải, hồi tháng 11 năm ngoái, Seoul và Bình Nhưỡng đã sử dụng những ngôn từ cứng rắn để công kích nhau.

Bắc Triều Tiên không ngừng mô tả vị tổng thống của Nam Triều Tiên là “một kẻ phản bội tổ quốc”, “làm tay sai” cho Mỹ, và gọi ông Lee Myung Bak là “kẻ xấu xa nhất trong lịch sử.”

Về phần mình, ông Lee Myung Bak đã tự kiềm chế và không hề lên tiếng đả kích cá nhân ông Kim Jong Il, lãnh tụ của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên, sau khi bị chỉ trích về sự phản ứng chậm chạp và yếu ớt đối với vụ pháo kích ở đảo Yeonpyeong, ông Lee Myung Bak cảnh cáo Bắc Triều Tiên rằng bất kỳ một hành vi khiêu khích nào khác nữa cũng sẽ được đáp trả “một cách quyết liệt và mạnh mẽ.”

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG