Nam Triều Tiên cho biết sẵn sàng đối thoại với láng giềng phương bắc nhưng cũng sẵn sàng ứng phó nhanh chóng với bất cứ hàng động thù nghịch nào có thể phát xuất từ Bắc Triều Tiên.
Hôm thứ Năm Bộ trưởng Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Kwan-jin nói với Quốc hội là Seoul sẽ cứu xét mọi biện pháp phản công để đảm bảo an ninh quốc gia.
Nam Triều Tiên theo dõi kỹ lưỡng mọi diễn biến tại miền bắc về bất cứ những dấu hiệu bất ổn nào kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Il từ trần. Bắc Triều Tiên có một chương trình vũ khí hạt nhân và một trong những đội quân lớn nhất thế giới.
Vào năm 2010, Bắc Triều Tiên pháo kích vào đảo Yeonpyeong của Nam Triều Tiên và Seoul qui lỗi cho Bắc Triều Tiên bắn chìm chiến hạm Cheonan, nhưng Bình Nhưỡng phủ nhận cáo buộc này.
Bộ trưởng Thống nhất Nam Triều Tiên Yu Woo-ik nói ông chưa thấy Bình Nhưỡng xin lỗi về những biến cố này, nhưng ông nói thêm là sẽ có được tất cả những kênh đối thoại với Bắc Triều Tiên liên hệ đến vấn đề này.
Nam Triều Tiên khẳng định Bắc Triều Tiên phải xin lỗi về hai biến cố này như một điều kiện để tái tục các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên để đổi lấy viện trợ.
Cựu trưởng đoàn thương thuyết Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên Robert Galluci nói với Đài VOA ban Triều Tiên là nước này cần phải có một thời gian dài để để tang lãnh tụ lâu năm đã qua đời.
Ông Galluci cũng khuyến cáo không nên đề cập đến việc thay đổi chế độ tại Bắc Triều Tiên, hay một cơ hội để thay đổi căn bản xã hội Bắc Triều Tiên vì Bắc Triều Tiên không bằng lòng về chuyện này.
Tuy nhiên ông nói Hoa Kỳ nên tìm một thời điểm thích hợp để chuyển tới chính phủ mới tại Bình Nhưỡng thông điệp là Hoa Kỳ sẽ không cho phép chuyển giao công nghệ và chất liệu của những vũ khí nhạy cảm cho những nước khác hay tổ chức khác.