Thưa quý thính giả, một nhà khoa học giải thích công dụng của máy robot đá banh, trong khi một đám trẻ con bu lại chung quanh. Độ chục em đứng cách đó vài mét, em nào cũng dán mắt nhìn chằm chằm vào máy, đôi tay giương cao để sẵn sàng chụp lấy trái banh do máy đá bổng về hướng các em.
Có lẽ chưa bao giờ thủ đô nước Mỹ lại thu hút được nhiều nhà khoa học, nhiều kỹ sư, nhà nghiên cứu, công ty công nghệ hàng đầu, và nhiều bộ óc sáng tạo và đầy hiếu kỳ đến thế… từ khắp nơi đổ về đây, tiền đình điện Capitol.
Họ kéo về đây để tham gia hội chợ khoa học và công nghệ đầu tiên diễn ra ở quy mô chưa từng thấy tại Hoa kỳ. Hơn 1500 gian triển lãm công nghệ đã được dựng lên trước trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ và các khu vực lân cận, dưới những túp lều lớn màu trắng, trải dài suốt quảng trường quốc gia từ Điện Capitol đến Đài tưởng niệm Tổng Thống Washington trên đại lộ Constitution.
Báo chí ước lượng có hơn một triệu người đã đến dự hội chợ trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
Khu vực được người Mỹ gọi là National Mall, quảng trường quốc gia, và Freedom Plaza- quảng trường Tự Do- nườm nượp người lớn, trẻ em, thầy cô giáo hướng dẫn các em học sinh đi hết gian triển lãm này đến gian triển lãm khác, để xem, nghe và tương tác với những công nghệ mới nhất.
Đứng sau quầy là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, đại diện các công ty công nghệ cao, nhiều vị có bằng tiến sĩ, túc trực để sẵn sàng giải thích về công dụng của các máy móc tân kỳ đủ loại, có máy đang được sử dụng, có máy mới chế tạo, có máy còn đang trong vòng nghiên cứu… một công nghệ mới, hay một công nghệ xanh, có lợi cho môi trường.
Nhiều gian hàng trưng bày máy robot. Lockheed Martin là hãng chế tạo máy bay, vũ khí, vệ tinh và các kỹ thuật quốc phòng hàng đầu thế giới, và cũng là một trong các công ty bảo trợ cho hội chợ. Tại căn lều của công ty, máy robot do các toán học sinh của một nhiều trường học Mỹ chế tạo, đang tranh giải đá bóng robot. Mathew Manix là học sinh của trường trung học Battlefield ở Haymarket, bang Virginia:
Matthew: “Toán của em là toán 1895, chúng em mang robot đến Washington, năm nay cuộc tranh đua giông giống như một trận đá bóng, thế cho nên toán đã thiết kế để máy có thể di chuyển thật nhanh quanh sân, rồi biết đá banh nữa, bọn em mời khán giả thử điều khiển robot, nói chung là để giải trí cho vui.”
Jessie Neider là một kỹ sư làm việc cho hãng Lockheed Martin, và là người hướng dẫn dự án robot của Trường Battlefield High:
“Chúng tôi đã đoạt rất nhiều giải, tuy chưa có giải nào là giải về máy robot. Nhưng cho tới nay, lần nào dự thi, chúng tôi cũng lọt vào vòng chung kết, mặc dù chưa giật được giải vô địch, nhưng chúng tôi đã thu thập được nhiều kinh nghiệm, đã từng được xem robot đủ loại hoạt động, và nhờ đó đã học hỏi thêm để có một mớ kiến thức về tiến trình thiết kế và chế tạo máy.”
Anh Jessie nói hướng dẫn các học sinh trong các dự án thiết kế máy robot đã mang lại cho anh nhiều niềm vui:
“Vâng, hướng dẫn các em mang lại cho tôi nhiều thỏa mãn, tôi đã làm việc này trong 7 năm nay, tôi yêu thích công việc này, nói chung tôi thích dạy học mặc dù không sống về nghề này. Đổi lại, các em học sinh mà tôi gặp gỡ trên khắp nước cũng mang lại cho tôi nhiều cảm hứng, bên cạnh đó nhờ hoạt động này, tôi mở rộng được vòng thân hữu, quen biết thêm nhiều kỹ sư, là những người có thể tiếp tay tôi để giải quyết một vấn đề kỹ thuật hóc búa nào đó.”
Marianne Lưu tốt nghiệp Đại học Perdue với bằng Cử nhân Khoa học và đang thực tập với Tiểu ban Nghiên cứu và Giáo Dục Khoa học tại Hạ viện Hoa Kỳ. Cô cho biết cảm tưởng sau khi dự hội chợ:
“Em nghĩ rằng hội chợ khoa học đã được tổ chức rất hay, có rất nhiều ngành chuyên môn khác nhau, nào là công nghệ robot, di truyền học, thuyết tiến hóa, ngay cả ngành tâm lý học, và cả hãng Disney cũng cử đại diện đến, em hơi ngạc nhiên về sự có mặt của Disney tại hội chợ, thế nhưng điều đó cho thấy là hội chợ khoa học công nghệ này rất là đa dạng, và đó điều gây ấn tượng. . .”
Về những ứng dụng của các công nghệ đó trên đời sống hàng ngày, Marianne có ý kiến sau đây:
“Em nghĩ khoa học tự nó có nhiều khía cạnh đa dạng, và có nhiều ứng dụng khác nhau, cho nên vâng, một số công nghệ được trưng bày tại hội chợ có thể được áp dụng trong đời sống thường nhật, chẳng hạn như việc phủ một lớp hợp chất nào đó trên các cửa kính, để ngăn sức nóng mặt trời vào nhà, và như thế đây là một công nghệ xanh, có lợi cho môi trường hơn so với các phương pháp giảm nhiệt khác. Em nghĩ vì vậy công nghệ ấy có tính cách thực dụng. Còn việc NASA đề cập đến một thế hệ robot mới để sử dụng trên mặt trăng, thì theo em nghĩ chưa thể áp dụng tức thời cho đời sống hàng ngày.”
Nguyễn Đức Tín là một kỹ sư sinh học, anh nói về mục đích của hội chợ triển lãm khoa học và công nghệ tại Washington.
ND Tin: “Dạ hội chợ này mục đích là để thu hút sinh viên, trẻ em cho các em thích thú hơn về toán, kỹ sư, khoa học, để mà sau này có thể giúp đời. Một phần khác là trong đó phải có giải trí, bởi vì cái gì mà mình thích thì mình bỏ nhiều tâm sức vào đó. Nếu muốn thành công, hội chợ này cần thu hút trẻ em thích thú về khoa học và kỹ sư.”
Đài VOA: Trong hội chợ này, Tín thấy căn lều nào trình bày công nghệ mới mà Tín thích nhất, trong tư cách là một kỹ sư?
ND Tín: “Hội chợ này có rất nhiều điều hay. Em ra ngành kỹ sư là để giúp cho đời, cho nên những cái gì mà có sử dụng trong đời hàng ngày, ví dụ như, người ta lọc lại plastic cho chảy để làm áo quần, dụng cụ hàng ngày, em thấy rất là hữu dụng. Một mục đích khác là về môi trường, bởi vì khi mà mình đọc được những thông tin đó, thì mình không có thải những thứ ấy ra ngoài đường để làm ô nhiễm môi trường. Cho nên em thấy mấy điều đó rất là hữu dụng, theo tầm nhìn kỹ sư của em. ”
Tín đơn cử thêm một vài ví dụ về những gian hàng triển lãm các công nghệ tại hội chợ mà anh cho là có ích lợi thiết thực:
“Mình có thể dùng ánh sáng để dùng cho các dụng cụ y tế để mà mình coi trong người, có tế bào nào bị ung thư, hy vọng sau này người ta có thể trị được. Ngoài ra, nói về dụng cụ y tế, làm sao giúp những người không đi được có thể đi lại vững vàng hơn, nếu người ta bị bệnh tật, không có thể đi được.”
Marianne Lưu lưu ý về tầm quan trọng của hội chợ khoa học và công nghệ trong việc khơi dậy sự hứng thú nơi trẻ em, các học sinh, để khuyến khích các em sau này, chọn đi theo con đường nghiên cứu khoa học:
Marianne: “Điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm để giúp những đứa trẻ, là gợi nguồn hứng khởi của các em. Hội chợ này đã tìm cách thực hiện điều đó. Em nghĩ rằng hội chợ khoa học này đã thành công trong mục tiêu đó. Em đã chứng kiến rất nhiều trẻ em, nhiều gia đình, nhiều người cha đặt ra những câu hỏi, tìm cách làm cho các em thích thú tham gia, đặt ra câu hỏi cho các nhà chuyên môn, các nhà khoa học, các kỹ sư, ngay cả một số giáo sư tiến sĩ, chuyên viên thí nghiệm, rất là sôi nổi nhưng cùng lúc các em nhỏ lại vui vẻ thích thú như được dự một trò chơi.”
Mới đây một phúc trình về nền giáo dục Mỹ khuyến cáo rằng, Hoa Kỳ, một thời dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đang có nguy cơ bị các nước khác, nhất là các nước Á Châu như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc vv… qua mặt.
Như Tổng Thống Obama đã cảnh giác, nếu không cải thiện thành tích toán và khoa học tại các trường học Mỹ và không tạo điều kiện cho đổi mới và tính sáng tạo, thì chẳng bao lâu nữa, Hoa Kỳ sẽ có nguy cơ mất ngôi vị cường quốc hàng đầu thế giới.
Marianne cũng đồng ý với nhận định đó. Cô chia sẻ nỗi quan tâm của cô về nguy cơ này.
“Tương lai sẽ rất là đen tối nếu chúng ta không thể cạnh tranh về khả năng đổi mới, cải tiến, theo em, đó chính là yếu tố chủ yếu trong khoa học, mọi việc đều xoay quanh yếu tố cải tiến, rồi áp dụng những điều mới ấy. Chúng ta tại Hoa kỳ đã tìm cách đo lường trình độ giáo dục, nhưng chúng ta chưa đo lường trình độ của các nhà chuyên môn. Nếu chúng ta thua kém về mặt này, và rõ rệt trình độ giáo dục có liên quan trực tiếp đến trình độ chuyên môn, thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong tương lai.”
Vẫn theo cô Marianne, thì:
“Hoa kỳ đang bước vào một giai đoạn có thể nói là suy yếu, khi nói tới nỗ lực thăng tiến tính sáng tạo hay tạo điều kiện cho cải tiến, nhưng hiện có nhiều người đang cố gắng làm điều gì đó để giải quyết tình trạng này, dù là bằng cách tổ chức một hội chợ khoa học và công nghệ như thế này, hay sử dụng luật pháp, hay chỉ phổ biến thực trạng để nâng cao nhận thức trong công chúng, rằng chúng ta đang đi thụt lùi, chúng ta khuyến khích con cái, và cá nhân chúng ta, trong tư cách là công dân, cũng phải đóng góp để cải thiện tình trạng này.”
Hội chợ Khoa học và công nghệ tổ chức rầm rộ với hơn một triệu người tham dự, liệu có để lại dấu ấn nào nơi các học sinh tham dự? Chúng ta hãy nghe một học sinh tên Richard chia sẻ kế hoạch của em cho tương lai:
“Em thật sự muốn được nhận vào một trường đại học để học thành kỹ sư, và cũng có thể em đang nghĩ đến ngành khoa học vi tính”
Thưa quý thính giả, quý vị vừa nghe ý kiến của các bạn trẻ người Mỹ sau khi đến dự hội chợ khoa học và công nghệ đầu tiên tổ chức tại thủ đô nước Mỹ. Xem qua những ý kiến đó, và xét sự kiện hơn một triệu người đến dự, thì hội chợ khoa học đầu tiên tại Hoa Kỳ đã gặt hái những thành công đáng kể trong nỗ lực nâng cao tầm nhận thức về nhu cầu nên khích lệ giới trẻ yêu thích toán học và chọn theo đuổi các ngành khoa học, kỹ sư, hầu giúp nước Mỹ duy trì được vị thế đang nắm giữ, là dẫn đầu thế giới về các ngành khoa học và công nghệ.
Thưa quý thính giả, trong bài diễn văn nhậm chức Tổng Thống của ông, Tổng Thống Obama tuyên bố rằng khoa học sẽ được trả lại vị trí đúng đắn của nó trong chính phủ do ông lãnh đạo. Cuối tuần vừa rồi, vị trí đó là quảng trường quốc gia ngay trước tòa nhà Quốc Hội ở trung tâm thủ đô nước Mỹ, nơi Hội chợ Khoa học và Công nghệ đầu tiên diễn ra trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật 23 và 24 tháng 10. Trong Tạp chí Khoa học và Đời sống tuần này, Hoài Hương tường trình rằng hơn một triệu người đã đổ về thủ đô nước Mỹ để tham gia các sinh hoạt tại hội chợ này. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết:
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1