Đường dẫn truy cập

Nên tránh bao plastic khi mua sắm nhất là trong mùa Giáng sinh


Các bao bì bằng plastic đem đốt thì chúng cháy thành khí dioxin, là khí độc hại mà Việt Nam đã kiện Hoa Kỳ trong chiến dịch da cam
Các bao bì bằng plastic đem đốt thì chúng cháy thành khí dioxin, là khí độc hại mà Việt Nam đã kiện Hoa Kỳ trong chiến dịch da cam

Chỉ còn một tuần lễ nữa là đến lễ Giáng sinh, mọi người đang bận rộn đổ xô đến các cửa hàng mua sắm chuẩn bị cho ngày này. Những mặt hàng được bán nhiều trong dịp này là quần áo, đồ chơi, mỹ phẩm, đồ trang sức, bánh kẹo, rượu và dĩ nhiên là thực phẩm. Mỗi người ra khỏi một siêu thị hay một cửa hàng nào đó đều khệ nệ tay xách nách mang hàng hóa, thường đựng trong những túi plastic. Vào lúc càng có nhiều người mua hàng tấp nập thì những túi plastic đó cũng được sử dụng nhiều hơn. Câu chuyện nước Mỹ hôm nay mong nhắc nhở quí vị về đến những tai hại cho môi trường do những túi plastic gây ra, mà trước đây nhiều người ngỡ là tiện dụng, để chúng ta cẩn thận hơn trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe chung cho mọi người.

Năm nay là năm thứ tư, một tổ chức có tên là Day Without a Bag đang vận động để chấm dứt lề lối sử dụng những bao đựng hàng bằng plastic mà khách tiêu thụ vẫn được cung cấp.

Nhắm vào đúng dịp mua sắm rộn rịp nhất cho mùa lễ Giáng sinh, vào ngày 16 tháng 12, tổ chức này cử người đi quảng bá cho một trong những cách bảo vệ mội trường là không sử dụng bao plastic nữa. Với chủ đề lồng trong dịp lễ giáng sinh, những người làm việc cho tổ chức này mặc y phục như những chú thợ trong toán sản xuất đồ chơi của ông già Noel, đến những siêu thị, cửa hàng, thư viện và nhiều nơi khác trong quận Los Angeles phân phát miễn phí những giỏ xách dùng đi dùng lại được nhiều lần cho cả năm. Một liên đoàn các nhà bán lẻ, các chính phủ địa phương và các đoàn thể bảo vệ môi trường đã tiếp tay bảo trợ cho việc phát không các giỏ xách dùng lại được nhiều lần.

Nội trong quận Los Angeles không thôi, cư dân ở đây mỗi năm sử dụng đến hơn 6 tỉ bao plastic loại dùng một lần rồi bỏ, trung bình một năm mỗi người dùng từ 500 đến 600 bao như vậy.

Vậy thì thử tính xem trên toàn cầu, mỗi năm có hàng ngàn tỉ bao plastic như vậy được sản xuất đã làm tiêu hao nguồn lực của thế giới, như thế nào? Đã vậy các thành phố đông dân hiện nay đang phải dứng trước một vấn nạn rất gay go, đó là thiếu nơi đổ rác.

Và cho dù là còn nơi đổ rác đi chăng nữa, những bao plastic này rất khó phân hủy, mất cả mấy trăm năm chúng mới tiêu tán đi.

Đài VOA đã tiếp xúc với chuyên gia hóa học và môi trường Mai Thanh Truyết để tìm hiểu về chất plastic.

Ông cho biết: "Plastic là gì? Nó là một tổng hợp của các hợp chất hữu cơ qua sự đồng phân tùy theo nhiệt độ, áp suất và các phân tử hữu cơ kết hợp theo chuỗi carbon để trở thành những hợp chất plastic có nhiều đặc tính khác nhau tùy theo công dụng. Chữ plastic bắt nguồn từ chữ Hy Lạp là plastikos, có nghĩa là mềm dẻo, có thể cán thành sợi, có thể cán mỏng, có thể làm cứng như những miếng ván hay chai, hộp, tùy theo điều kiện tổng hợp. Bao nylon chúng ta đi chợ vẫn được cửa hàng cung cấp thì thông thường được làm bằng polyethylene hay bằng polystyrene hoặc Polyvinyl chloride (pvc). Polyethylene là nhiều chất ethylene tổng hợp lại và tùy theo nhiệt độ, do đó chúng ta có thể có những bao nylon rất mềm, rất mỏng, như những bao gói thịt hay như giấy wrap để bọc những tô chén đựng thức ăn còn lại, còn bao nylon thông thường làm bằng polyethylene và polystyrene và cả pvc.

Tại sao plastic lại có hại cho môi trường? chuyên gia Mai thanh Truyết giải thích:

Ông nói: "Nó có hại, thứ nhất, khi mà các bao bì bằng plastic đem đốt thì chúng cháy thành khí dioxin, là khí độc hại mà Việt Nam đã kiện Hoa Kỳ trong chiến dịch da cam.

Thời gian bán hủy của hầu hết các loại plastic có thể đến hằng trăm năm, do đó sự phân hủy của nó hầu như không có. Vì thế khi mà các chất này đi vào trong môi trường, đặc biệt là môi trường nước, và nước sinh hoạt thải ra biển, sông hồ, tôm cá ăn vào sẽ bị tích tụ trong cơ thể và chết dần chết mòn. Chính vì nguy cơ đó mà tại các quốc gia trên thế giới, các quốc gia đang phát triển trên thế giới đều khuyến khích chúng ta dùng bao bì bằng giấy để dễ phân hủy thay vì bao plastic. Nước Pháp có thể nói là một quốc gia đi đầu. Nếu chúng ta đi du lịch ở Pháp,vào nhà thờ, vào chùa, chúng ta thấy bữa ăn trưa, ăn chiều được dọn bằng chén dĩa rất đẹp, rất sang, thay vì bát đĩa plastic như ở Hoa Kỳ. Sở dĩ người Pháp làm như vậy vì nước Pháp có luật là nếu sử dụng bao plastic hay chén dĩa bằng plastic thì phải đóng thuế rác rất cao. Chính vì lý do đó mới hạn chế được việc sử dụng plastic bừa bãi."

Hiện nay thì nhiều người, nhiều quốc gia và nhiều dịa phương cũng như các cơ sở kinh doanh và các đoàn thể tư nhân đã bắt đầu ý thức được sự tai hại của việc sử dụng bao plastic. Quận Los Angeles đã ban hành đạo luật cấm một số nơi ngoài các thành phố không được sử dụng loại bao bì này nữa. Từ 3 năm nay thành phố San Francisco đã quay sang cung ứng bao bì plastic làm bằng bột bắp hoặc bao giấy mà thôi. Còn thủ đô Washington thì không cấm sử dụng bao plastic nhưng khách hàng muốn dùng thì phải trả thêm 5 cents mỗi bao. Ngoài ra các công ty lớn như Ikea chuyên bán đồ đạc, đồ dùng trong nhà, đã cam kết ngưng việc sử dụng bao plastic để gói hàng cho khách.

Cá nhân mỗi chúng ta có thể làm được gì để giảm bớt tai họa do việc sử dụng bao plastic? Chỉ cần chút cố gắng để thực hành những chuyện đơn giản như sau:

- Dùng lại các bao plastic và giấy bao (plastic wrap)
- Dùng loại giỏ đi chợ xài đi xài lại được cả năm, 2 năm.
- Dùng giấy sáp thay vì những sản phẩm polyethylene,
- Đem những bao plastic trở lại các siêu thị để họ mang đi tái chế biến
- Nếu quên giỏ xách khi đi chợ, xin cửa hàng cho bao giấy thay vì plastic
- Vận động với chính phủ liên bang và địa phương để đòi cho áp dụng việc sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường.
- Nói với mọi người về tai hại của bao plastic dùng một lần rồi bỏ.

Và kính thưa quí vị, trong lúc mua sắm cho lễ Giáng sinh này, chúng tôi hy vọng là quí vị sẽ thực hiện được ít nhất là một vài điều như đã kể trên để giữ cho môi trường của chúng ta được bền vững.

Ngoài ra theo chuyên gia Mai Thanh Truyết cho biết thì hiện nay đã có đôi chút lạc quan khi một số công ty đã sản xuất các bao bì chế từ bột bắp, dễ phân hủy:

"Chúng tôi muốn nói đến một điểm tích cực, ngày hôm nay các nhà khoa học đã cố gắng chế tạo plastic từ những chất hữu cơ, đó là plastic làm từ bột bắp. Hoa Kỳ đã bắt đầu sử dụng một số plastic loại này; nó cũng giống như các chất plastic tổng hợp như chúng ta thấy như từ khí ethylene, như từ dầu hỏa, nhưng thời gian phân hủy loại plastic này chỉ từ 3 đến 5 ngày mà thôi. Do đó khi rơi vào lòng đất thì nó tự tan rã thành bột. Đó là một tiến bộ khoa học mà chúng tôi nghĩ là trong thời gian gần đây chúng ta sẽ áp dụng lần lần plastic từ bột."

Quí vị vừa nghe tường thuật về một số biện pháp của các đoàn thể như Day Without a Bag và các cố gắng của các chính phủ địa phương nhắm giảm thiểu tai hại của những bao plastic gói hàng dùng một lần rồi bỏ.

Đường dẫn liên quan

VOA Express

XS
SM
MD
LG