Đường dẫn truy cập

Hoa Kỳ thiếu chuyên gia khoa học - kỹ thuật. - 2004-05-17


Một ủy ban độc lập về khoa học của Hoa Kỳ vừa cho công bố một phúc trình báo động rằng Hoa Kỳ có thể bị mất ưu thế về khoa học - kỹ thuật trên thế giới, nếu không có những biện pháp cấp thời để chấn chỉnh những thiếu sót và khuyết điểm trong công tác đào tạo nhân tài trong lĩnh vực này. Nguyễn Lê xin dành câu chuyện “Khoa học và Đời sống” hôm nay để trình bày với quý thính giả thêm một số chi tiết liên quan đến đến câu chuyện này. Theo thông lệ, phúc trình của Hội đồng Khoa học Quốc gia của Hoa Kỳ đã loan báo một tin vui trước. Đó là: Hoa Kỳ vẫn duy trì được ưu thế kỹ thuật đối với các nước khác trên thế giới. Hội đồng Khoa học Quốc gia là một tổ chức phi chính phủ được thành lập để cố vấn cho tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ về các vấn đề khoa học. Hiện nay, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về số kinh phí dành cho công tác nghiên cứu và phát triển. Theo hội đồng, kết quả là Hoa Kỳ biên soạn được một số tài liệu nghiên cứu lớn nhất thế giới, đề xuất được rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, và phát triển được nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao nhằm khai thác những sáng kiến này một cách có lợi cho nền kinh tế.

Vậy thì vấn đề gì đã làm cho Hội đồng Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ phải lo lắng?

Theo phúc trình vừa nêu, tình trạng sút giảm đáng lo ngại hiện nay trong số công dân Mỹ được đào tạo thành các khoa học gia và kỹ sư đang tạo ra một vấn đề mới và cấp thiết cho Hoa Kỳ.

Ông Robert Richardson, một thành viên của hội đồng và phó chủ nhiệm về nghiên cứu tại Đại học Cornell, giải thích rằng vấn đề đó là Hoa Kỳ không đào tạo đủ các nhà khoa học. Ông nói tiếp:

“Từ năm 1975, tỷ số dân của chúng ta trong lứa tuổi từ 18 đến 24 theo học các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật tại các trường cao đẳng và đại học đã giảm từ hạng 3 xuống hạng thứ 17. Đó không phải là cách để cạnh tranh được với thế giới trong những thế hệ tới.”

Một điều nghịch lý là Hội đồng Khoa học Quốc gia nói rằng thành công về kinh tế của Hoa Kỳ là một yếu tố góp phần gây ra sự thiếu hụt các nhà khoa học, bởi vì sự thành công này làm gia tăng nhu cầu về chuyên viên kỹ thuật. Hội đồng tiên đoán rằng nếu xu thế này không bị ngăn chặn, thì số công dân Mỹ hội đủ điều kiện để làm những công việc có tính cách khoa học và kỹ thuật cũng chỉ nằm ở mức hiện nay là nhiều nhất.

Theo truyền thống thì Hoa Kỳ vẫn dựa vào người nước ngoài để bù vào khoảng trống này. Trong năm 2000, các sinh viên nước ngoài nhận được khoảng 30 phần trăm số bằng thạc sĩ và 40 phần trăm số bằng tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật của Hoa Kỳ. Nhưng Hội đồng Khoa học Quốc gia nói rằng nguồn nhân tài ở nước ngoài này cũng đang giảm sút vì số thị thực do Hoa Kỳ cấp đã giảm mạnh sau khi diễn ra các cuộc tấn công khủng bố của Al-Qaida ngày 11 tháng 9 năm 2001, và cũng vì Liên bang Nga và các quốc gia đang phát triển ở châu Á đang lôi kéo khối nhân tài này ra khỏi Hoa Kỳ bằng cách gia tăng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Việc giảm bớt thị thực nhập cảnh cho sinh viên và chuyên viên khoa học – kỹ thuật nước ngoài vừa có nguyên nhân là các điều kiện kiểm soát an ninh gia tăng, vừa có nguyên nhân là số người xin thị thực sụt giảm. Số thị thực do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cấp cho sinh viên ngoại quốc giảm bớt 20 phần trăm trong năm 2001 so với năm 2000, và sang năm 2002 lại còn bị cắt bớt nhiều hơn nữa.

Ông Arden Bement là quyền giám đốc của Quỹ Khoa học Quốc gia, một cơ quan Hoa Kỳ chuyên tài trợ cho các cho các công trình nghiên cứu phi y học. Ông Bement nói:

“Giờ đây thế giới đang phát triển hiểu rõ rằng khoa học và công nghệ giúp thúc đẩy tốc độ phát triển và tăng trưởng kinh tế. Các nước khác trên thế giới đang tăng cường đầu tư và chuyển từ một nền kinh tế dựa phần lớn vào xuất khẩu sang một nền kinh tế vừa đẩy mạnh xuất khẩu vừa đáp ứng được những nhu cầu của các thị trường nội địa nữa”.

Kết quả là phần trước tác của Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học--tuy vẫn còn lớn nhất thế giới--nhưng đã không tăng thêm từ năm 1992, và đây là một xu thế không thấy có tại các nước công nghiệp đã phát triển khác. Hội đồng Khoa học Quốc gia nói rằng sự tăng trưởng trong lĩnh vực nghiên cứu tại các nước Đông Á và Đông Nam Á cho thấy rằng các nước này có khả năng cạnh tranh cao hơn về mặt kỹ thuật.

Tại một cuộc họp báo được tổ chức tại thủ đô Washington để thảo luận về những phát hiện của Hội đồng Khoa học Quốc gia, Ông Robert Richardson, phó chủ nhiệm về nghiên cứu tại Đại học Cornell, đã bác bỏ ý kiến của một phóng viên cho rằng nguyên nhân của tình trạng khan hiếm các chuyên viên khoa học - kỹ thuật hiện nay có thể là vì cả nước Mỹ đã trở nên lười biếng. Theo ông, một nguyên nhân quan trọng là thiếu sự cổ vũ cho giới thanh thiếu niên Mỹ đến với khoa học. Ông cảnh báo:

“Nếu chúng ta không đầu tư đúng mức cho lực lượng lao động và công tác nghiên cứu khoa học, thì chúng ta sẽ bị bỏ lại đàng sau trong một đám bụi mù.”

Phúc trình của Hội đồng Khoa học Quốc gia nói rằng Hoa Kỳ ngay cả trong trường hợp Hoa Kỳ cho áp dụng ngay những biện pháp để thay đổi tình hình, thì sự khan hiếm chuyên viên khoa học - kỹ thuật cũng phải mất từ 10 đến 20 năm mới khắc phục được. Như thế là bởi vì các học sinh trung học ngày nay đang quyết định theo đuổi một nghề nghiệp tương lai trong lĩnh vực khoa học cũng phải chờ cho đến năm 2018 hay 2020 mới hoàn tất quá trình đào tạo. Thêm vào đó, nhiều người đang làm việc trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật hiện nay sẽ đến tuổi nghĩ 3 hưu trong vòng 20 năm tới, trong khi một con số sinh viên ít hơn đang chọn nghề khoa hộc-kỹ thuật để thay thế họ.

Hội đồng Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ kêu gọi phải cải thiện hệ thống giáo dục ở mọi cấp để biến khoa học thành một ngành nghề hấp dẫn đối với sinh viên ngày nay. Phúc trình của Hội đồng kết luận rằng nếu không có hành động ngay tức khắc để chấn chỉnh hiện trạng, đến năm 2020 khả năng tái tạo của các định chế nghiên cứu và giáo dục của Hoa Kỳ có thể đã bị thương tổn và đã mất địa vị ưu việt đối với các khu vực khác trên thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG