Chính quyền Hà Nội vừa ra lệnh cấm hai cây cầu trọng yếu qua sông Hồng ngay trung tâm thành phố trong khi Vĩnh Phúc cũng vừa cấm một cây cầu bắc qua sông Lô sau khi một cây cầu khác vừa bị sập ở tỉnh Phú Thọ kéo theo người và xe cộ xuống sông, báo chí trong nước đưa tin.
Ảnh hưởng hoàn lưu của bão Yagi đã gây mưa lớn trên khắp các tỉnh miền bắc trong hai ngày qua, khiến nước dâng cao trên các con sông lớn ở miền Bắc. Hình ảnh do truyền thông trong nước và người đưa dân đăng tải trên mạng xã hội cho thấy mực nước sông Hồng ở Hà Nội đã gần mấp mé mặt cầu trong khi nước sông chảy cuồn cuộn.
Trước đó, vào sáng ngày 9/9, cầu Phong Châu cũng bắc qua sông Hồng nối liền hai huyện Tam Nông và Lâm Thao của tỉnh Phú Thọ đã bất ngờ sập xuống sông khiến cho 10 phương tiện rơi xuống sông và 8 người vẫn còn mất tích, theo ước tính sơ bộ của giới chức sở tại.
Nguyên nhân chính vụ sập cầu này được công bố là “do nước sông dâng cao, chảy xiết làm sập một trụ cầu và cuốn trôi hai nhịp cầu”, tờ Lao Động dẫn báo cáo của Ủy ban tỉnh Phú Thọ cho biết. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng chất lượng công trình thấp cũng là một nguyên nhân gây sập cầu, theo ghi nhận của VOA.
Một ngày sau vụ sập cầu ở Phú Thọ, sáng ngày 10/9, Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội đã ra thông báo hạn chế qua lại trên cầu Chương Dương, cây cầu huyết mạch nối liền trung tâm Hà Nội với các quận Long Biên và Gia Lâm với nguyên nhân là “đảm bảo an toàn cho người dân”, trang mạng VnExpress dẫn thông báo của cơ quan này cho biết.
Theo cơ quan này thì mực nước sông Hồng đang dâng cao, dòng chảy xiết, ảnh hưởng đến kết cấu cầu.
Theo đó thì xe khách trên trên 9 chỗ, trừ xe buýt, và xe tải trên 0,5 tấn bị cấm qua lại cầu Chương Dương ở cả hai chiều. Xe hai bánh và ô tô có sức chứa nhỏ hơn vẫn được lưu thông bình thường.
Đến chiều ngày 10/9, đến lượt cầu Long Biên cũng bị cấm hoàn toàn kể từ 15h chiều, tờ Tuổi Trẻ dẫn nguồn từ một lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết. Vị lãnh đạo không nêu tên này được dẫn lời nói cầu Long Biên sẽ bị cấm cho đến khi nước lũ rút và đảm bảo an toàn.
Cầu Long Biên là cầu đường sắt kết hợp lưu thông xe hai bánh cũng nằm giữa trung tâm thủ đô. Trước đó, ngành đường sắt đã cho dừng chạy tàu qua cầu Long Biên, cũng Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phan Quốc Anh, phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết.
Cầu Long Biên là cây cầu lịch sử của Hà Nội được người Pháp đưa vào sử dụng từ năm 1903 và đến nay vẫn đứng vững sau hơn 120 năm dù trải qua nhiều thăng trầm trong chiến tranh và hòa bình.
Trong khi đó, cầu Chương Dương có tuổi đời chưa tới 40 năm và là một cây cầu rất tấp nập ngay giữa trung tâm thủ đô. Kết quả kiểm định cầu vào các năm 2013 và 2021 cho thấy bê tông tróc làm lộ cốt thép, han gỉ nhiều vị trí và mặt cầu đã bong tróc bê tông một số chỗ…, theo VnExpress.
Sau khi hai cây cầu này bị đóng và hạn chế, người dân Hà Nội vẫn còn có thể băng qua sông Hồng trên các cây cầu khác như Thăng Long, Thanh Trì, Vĩnh Tuy và Nhật Tân.
Cũng trong ngày 10/9, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ thị giới chức thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát các cây cầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn và ra lệnh cấm cầu, theo Tuổi Trẻ đưa tin.
Còn tại tỉnh Vĩnh Phúc giáp Hà Nội, nhà chức trách cũng vừa ban hành lệnh cấm cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô nối tỉnh này với tỉnh Phú Thọ, VnExpress cho biết, sau khi một tàu chở hàng và một sà lan bị nước lũ chảy xiết cuốn đâm vào thành cầu và bị kẹt lại dưới gầm cầu.
Dòng nước lũ tiếp tục chảy có nguy cơ khiến chiếc tàu và sà lan bị mắc kẹt bị kéo đi, làm tăng nguy cơ cho cầu. Chính quyền đang phối hợp với công binh tính toán cách xử lý tàu bè bị mắc kẹt, cũng theo trang mạng này.
Trước đó, trong chiều ngày 9/9, chỉ vài giờ sau vụ sập cầu Phong Châu, chính quyền các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Tuyên Quang đã ra thông báo cấm và hạn chế đi lại trên 9 cây cầu, VnExpress đưa tin.
Vào sáng cùng ngày, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh hai chiếc tàu trôi dạt trên dòng nước cuồn cuộn của sông Chảy đã đâm sầm vào cầu Tô Mậu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Báo Pháp Luật TpHCM cho biết đây là tàu hút cát công suất lớn trôi tự do từ phía Trung Quốc. Sức mạnh của cú va chạm đã khiến trên cầu có vết nứt, tờ báo này dẫn lời người dân địa phương cho biết.
Trong khi đó, hai tàu hút cát khác cũng trôi dạt trên sông Hồng đến cầu Phố Lu tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, và sau đó trôi vào tỉnh Yên Bái, cũng tờ báo này đưa tin và cho rằng hai tàu hút cát này “đến từ Trung Quốc”.
Diễn đàn