Đường dẫn truy cập

Putin nói Nga có thể tái tục triển khai phi đạn tầm trung toàn cầu


Ảnh do hãng tin nhà nước Nga Sputnik công bố cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp của Hội đồng An ninh qua đường truyền video tại tư dinh ở Novo-Ogaryovo bên ngoài Moscow vào ngày 28 tháng 6 năm 2024. (Ảnh: Vyacheslav Prokofyev)
Ảnh do hãng tin nhà nước Nga Sputnik công bố cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp của Hội đồng An ninh qua đường truyền video tại tư dinh ở Novo-Ogaryovo bên ngoài Moscow vào ngày 28 tháng 6 năm 2024. (Ảnh: Vyacheslav Prokofyev)

Tổng thống Vladimir Putin ngày thứ Sáu nói rằng Nga nên tiếp tục sản xuất phi đạn có năng lực hạt nhân tầm trung và tầm ngắn và sau đó xem xét nơi triển khai chúng sau khi Mỹ đưa phi đạn tương tự tới Châu Âu và Châu Á.

Bước đi này của ông Putin cuối cùng xóa bỏ tất cả những gì còn sót lại từ một trong những hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng nhất thời Chiến tranh Lạnh trong bối cảnh lo ngại rằng hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới có thể bước vào một cuộc chạy đua vũ trang mới cùng với Trung Quốc.

Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF), được Mikhail Gorbachev và Ronald Reagan kí năm 1987, đánh dấu lần đầu tiên hai siêu cường quốc đồng ý giảm kho vũ khí hạt nhân của họ và loại bỏ toàn bộ hạng mục vũ khí hạt nhân.

Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump chính thức rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019 sau khi cho rằng Moscow đang vi phạm hiệp ước, một cáo buộc mà Điện Kremlin liên tục phủ nhận và coi đó là một cái cớ.

Nga sau đó đình chỉ phát triển các loại phi đạn trước đây bị cấm theo hiệp ước INF - phi đạn đạn đạo và hành trình bắn từ mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Ông Putin nói Nga đã cam kết không triển khai những phi đạn như vậy nhưng Mỹ đã tiếp tục sản xuất chúng, đưa chúng đến Đan Mạch để diễn tập và cũng đưa đến Philippines.

“Chúng ta cần đáp trả điều này và đưa ra quyết định về những gì chúng ta sẽ phải làm kế tiếp theo hướng này,” ông Putin nói với Hội đồng An ninh Nga trong cuộc họp được chiếu trên truyền hình nhà nước.

“Rõ ràng, chúng ta cần bắt đầu sản xuất các hệ thống tấn công này và sau đó, dựa trên tình hình thực tế, đưa ra quyết định về nơi triển khai chúng – nếu cần thiết để đảm bảo an toàn cho chúng ta,” ông nói.

Nga và Mỹ, cho đến nay là các cường quốc hạt nhân lớn nhất, đều bày tỏ tiếc nuối về sự đổ vỡ các hiệp ước kiểm soát vũ khí vốn nhằm làm chậm cuộc chạy đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh và giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG