Đường dẫn truy cập

Phụ tá của TT Biden: Mỹ có thể phải gia tăng triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược


Binh sĩ Mỹ bảo dưỡng tên lửa chiến lược ở Montana, 24/8/2023.
Binh sĩ Mỹ bảo dưỡng tên lửa chiến lược ở Montana, 24/8/2023.

Một phụ tá cấp cao của Nhà Trắng nói hôm thứ Sáu 7/6 rằng Mỹ có thể phải triển khai thêm vũ khí hạt nhân chiến lược trong những năm tới để ngăn chặn các mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga, Trung Quốc và các đối thủ khác.

Pranay Vaddi, quan chức hàng đầu về kiểm soát vũ khí trong Hội đồng An ninh Quốc gia, nhận định như vậy trong một bài diễn văn về "cách tiếp cận cạnh tranh hơn" đối với việc kiểm soát vũ khí, trong đó phác họa ra sự thay đổi chính sách nhằm thúc ép Moscow và Bắc Kinh đảo ngược việc họ từ chối lời kêu gọi của Mỹ về đàm phán hạn chế kho vũ khí.

Ông Vaddi phát biểu với Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí: “Nếu không có sự thay đổi về kho vũ khí của đối thủ, trong những năm tới sẽ có lúc chúng ta có thể cần phải tăng thêm từ số lượng được triển khai hiện tại. Chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ để thực thi nếu tổng thống đưa ra quyết định đó”.

“Nếu ngày đó nó đến, kết luận sẽ được rút ra là cần có thêm vũ khí hạt nhân để ngăn chặn các đối thủ của chúng ta và bảo vệ người dân Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác của chúng ta”, vẫn lời ông.

Mỹ hiện đang tuân thủ mức giới hạn 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai theo hiệp ước START mới năm 2010 với Nga, mặc dù Moscow đã “đình chỉ” việc thực thi vào năm ngoái vì Mỹ trợ giúp cho Ukraine, một động thái mà Washington gọi là “không có giá trị pháp lý”.

Ông Vaddi phát biểu ở thời điểm được 1 năm kể từ khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã phát biểu với chính hiệp hội này rằng không cần thiết phải tăng cường triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ để chống lại kho vũ khí của Nga và Trung Quốc, ông đã mời hai nước này đàm phán "mà không có điều kiện tiên quyết".

Ông Vaddi nói rằng chính quyền Mỹ vẫn cam kết tuân thủ các chế độ kiểm soát vũ khí quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân được thiết kế để hạn chế sự phổ biến vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ông nói rằng Nga, Trung Quốc và Triều Tiên "đều đang mở rộng và đa dạng hóa kho vũ khí hạt nhân của họ với tốc độ chóng mặt, họ tỏ ra quan tâm rất ít hoặc không quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí".

Ông cho rằng cả ba nước này và Iran "đang ngày càng hợp tác và phối hợp với nhau theo những cách đi ngược lại hòa bình và ổn định, đe dọa Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác của chúng ta và làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực".

Ông Vaddi nhận xét rằng Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên đang chia sẻ công nghệ tên lửa và máy bay không người lái tiên tiến, đồng thời nêu dẫn chứng là Moscow sử dụng máy bay không người lái của Iran, pháo và tên lửa của Triều Tiên ở Ukraine, cũng như Trung Quốc hỗ trợ cho các ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Theo ông Vaddi, học thuyết hạt nhân của Hoa Kỳ là dành vũ khí hạt nhân cho việc ngăn chặn các cuộc tấn công của đối thủ "nhằm vào chúng ta, các đồng minh và đối tác của chúng ta", trong khi vẫn cam kết với Anh và Pháp là "minh bạch" về các chính sách và lực lượng hạt nhân.

Nhưng nếu các đối thủ của Mỹ đẩy mạnh việc họ dựa vào vũ khí hạt nhân, thì “chúng ta sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải điều chỉnh thế đứng và năng lực của mình để duy trì khả năng răn đe và sự ổn định”, ông nói.

Ông nói thêm rằng chính quyền Mỹ đang thực hiện “các bước đi sáng suốt” hướng tới mục tiêu đó, bao gồm cả việc hiện đại hóa kho vũ khí của Mỹ.

Đồng thời, chính quyền Mỹ vẫn cam kết ngăn chặn các hành động phổ biến vũ khí hạt nhân, cam kết này bao gồm cả việc củng cố Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, là nền tảng của chế độ kiểm soát vũ khí toàn cầu, ông nói.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG