Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris sẽ đến thăm quần đảo Palawan của Philippines ở rìa Biển Đông, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết ngày 15/11.
Chuyến thăm, dự kiến vào ngày 22/11, sẽ đưa bà Harris trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm chuỗi đảo tiếp giáp với quần đảo Trường Sa. Trung Quốc đã nạo vét đáy biển để xây dựng bến cảng và đường băng trên quần đảo Trường Sa, một phần của quần đảo này cũng được Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với một số lãnh hải ngoài khơi Palawan và phần lớn Biển Đông, viện dẫn các bản đồ lịch sử trong nước. Tuy nhiên, một phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016 cho biết các yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, một chiến thắng dành cho Manila vẫn chưa được thực thi.
Sau cuộc gặp trực tiếp kéo dài ba giờ giữa Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm giảm bớt căng thẳng, chuyến đi của bà Harris có thể khiến Bắc Kinh giận giữ.
Biển Đông, nơi có trữ lượng dầu khí khổng lồ, là nơi giao thương trị giá 5 nghìn tỷ đô la mỗi năm nhưng cũng là điểm nóng gây căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ xung quanh các hoạt động hải quân.
Tại Palawan, bà Harris dự kiến sẽ gặp “cư dân, lãnh đạo xã hội dân sự, và đại diện của Lực lượng Tuần duyên Philippines”, quan chức chính quyền cấp cao cho biết.
Chuyến đi sẽ thể hiện “cam kết của chính quyền sát cánh với đồng minh Philippines của chúng tôi trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông, hỗ trợ sinh kế trên biển và chống lại hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không theo quy định và không được báo cáo”, quan chức này cho biết.
Philippines là đồng minh quốc phòng của Hoa Kỳ, nhưng dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, nước này tránh chỉ trích Bắc Kinh khi để mắt đến đầu tư của Trung Quốc.
Manila ngày 15/11 thông báo rằng Washington sẽ chi 66,5 triệu đô la để bắt đầu xây dựng các cơ sở huấn luyện và nhà kho tại ba căn cứ quân sự của mình ở Palawan theo một thỏa thuận an ninh chung năm 2014.
Đây là chuyến đi thứ hai của bà Harris đến châu Á trong ba tháng và diễn ra sau chuyến đi kéo dài một tuần của ông Biden tới khu vực này. Cả hai chuyến đi đều nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ và liên minh để ngăn chặn các bước đi gây hấn của Trung Quốc, kể cả tại Đài Loan. Chuyến đi của bà Harris cũng bao gồm một điểm dừng ở Thái Lan cho cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong chuyến đi lần trước tới khu vực, bà Harris đã cáo buộc Trung Quốc có những hành động “ép buộc và đe dọa” các nước láng giềng.
Chuyên gia về Biển Đông Gregory Poling cho rằng chuyến thăm lần này có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Philippines mà không khiến Bắc Kinh tức giận vì đây không phải là chuyến thăm tới một vùng lãnh thổ tranh chấp.
“Chuyến đi sẽ trấn an Philippines bằng cách gửi tín hiệu rõ ràng rằng, ngay cả khi Ukraine và Đài Loan đang là trọng tâm, Hoa Kỳ vẫn công nhận Biển Đông là trọng tâm của tương lai liên minh Hoa Kỳ-Philippines,” ông Poling, giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói.
Ông Poling dự kiến bà Harris cũng sẽ đến thăm một cơ sở được thành lập theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường Hoa Kỳ-Philippines tại Căn cứ Không quân Antonio Bautista ở Puerto Princesa, là trụ sở của bộ chỉ huy quân sự Philippines chịu trách nhiệm bảo vệ và tuần tra quần đảo Trường Sa.
Diễn đàn