Đường dẫn truy cập

Philippines lập khu bảo tồn biển, Trung Quốc phản ứng ra sao?


Ngư dân Philippines đến ngư trường quanh bãi cạn Scarborough. (D. Schearf / VOA)
Ngư dân Philippines đến ngư trường quanh bãi cạn Scarborough. (D. Schearf / VOA)

Tổng thống Philippines đề nghị lập một khu bảo tồn hải dương tại một bãi cạn đang trong vòng tranh chấp trên Biển Đông có nguy cơ có thể gây bất bình cho Trung Quốc dù cho mục tiêu của dự án là để bảo về hệ sinh thái, và bất chấp những cải thiện trong quan hệ hồi gần đây giữa Manila với Bắc Kinh.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi cuối tháng 11 nói với truyền thông trong nước rằng ông dự định ban hành một sắc lệnh hành pháp tuyên bố khu tam giác trên biển bên trong Bãi cạn Scarborough là khu vực cấm đánh bắt thủy sản. Tổng thống Duterte nói ông đã thông báo cho phía Trung Quốc về dự định thành lập khu cấm đánh cá trong bãi cạn với diện tích dự kiến khoảng 158 kilômét vuông này.

Thanh chấp chủ quyền

Kể từ tháng 8 tới nay, Trung Quốc và Philippines đã tìm cách hàn gắn quan hệ đã bị rạn nứt một phần do các tranh chấp chủ quyền đối với một bãi cạn nhỏ nằm cách đảo Luzon khoáng 198 kilômét về hướng tây. Tàu thuyền của hai nước đã đối đầu nhau suốt hai tháng liền trong bãi cạn này vào năm 2012. Sắc lệnh của Tổng thống Duterte sẽ có tác dụng như một tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Philippines trên vùng biển này.

Ông Jonathan Spangler, giám đốc Viện nghiên cứu Biển Nam Trung Hoa ở Đài Bắc, nhận định:

"Thành lập một khu bảo tồn hải dương trong Bãi cạn Scarborough sẽ là một tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Philippines đối với khu vực đó. Bất cứ hành động đơn phương nào nhằm thể hiện chủ quyền có phần chắc sẽ dẫn đến mâu thuẫn với các nước cùng tuyên bố chủ quyền, cho dù cố tránh né bằng cách gọi vùng tranh chấp là một khu bảo tồn biển."

Bảo tồn hải dương

Lên tiếng tại một hội nghị lãnh đạo châu Á – Thái Bình Dương ở Peru hôm 20 tháng 11, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Hermogenes Esperon nói rằng Tổng thống Duterte muốn lập khu bảo tồn để giúp thủy sản sinh sôi trở lại, trong bối cảnh nguồn cá đã bị khai thác đến cạn kiệt trong vùng biển này.

Ông Esperon nói chính phủ nước ông sẽ phái nhân viên tuần dương dân sự đến làm việc ở bãi cạn và ông hy vọng Trung Quốc sẽ chấp nhận kế hoạch thành lập khu bảo tồn hải dương đó.

Ông Duterte đi thăm Bắc Kinh hồi tháng 10 và các giới chức Trung Quốc hứa trợ giúp Philippines 24 tỉ đôla. Chuyến thăm của ông Duterte cũng làm giảm bớt căng thẳng trước đó đã tăng cao vì vụ kiện do tổng thống tiền nhiệm phát động, yêu cầu tòa trọng tài quốc tế phân xử vụ tranh chấp với Trung Quốc về các tuyên bố chủ quyền của nước này. Tòa án đã ra phán quyết hôm 12 tháng 7, cho rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố chủ quyền trên vùng biển đang tranh chấp.

Ông Ramon Casiple, giám đốc của Viện nghiên cứu Cải tổ Bầu cử và Chính trị Philippines, nói Trung Quốc nên chấp nhận đề xuất thành lập khu bảo tồn hải tương để cá sinh sôi, và gác sang một bên vấn đề tranh chấp chủ quyền.

Hai bên sẽ thảo luận

Trung Quốc và Philippines hồi tháng 10 đồng ý sẽ thảo luận về vụ tranh chấp Biển Đông, bao gồm khả năng hợp tác khai thác dầu khí.

Ông Casiple nói:

"Khu bảo tồn hải dương, quyền đánh bắt cá, hợp tác tuần dương, quyền ra vào Bãi cạn Scarborough là những đề tài họ thảo luận, và thực sự cả hai không đề cập đến vấn đề chủ quyền."

Ông Douglas Guilfoyle, giáo sư môn luật quốc tế ở Đại học Monash của Australia, nói kế hoạch lập khu bảo tồn biển của Manila được xem như một tuyên bố khẳng định chủ quyền một cách ôn hòa hơn là một hành động quân sự, trong khi chưa có định nghĩa rõ rệt về thế nào là một khu bảo tồn biển. Ông nói:

"Theo tôi biết thì chưa có một định nghĩa nào được quốc tế nhất trí về một khu bảo tồn hải dương là gì."

Ông Guilfoyle nói Philippines có quyền đơn phương tuyên bố chủ quyền bởi vì Bãi cạn Scarborough nằm trong phạm vi 200 hải lý tức là thuộc khu đặc quyền kinh tế của nước này.

XS
SM
MD
LG