Rất nhiều người khuyên tôi đừng viết về chính trị nữa để tập trung hẳn vào phê bình văn học như cái điều tôi từng làm trước đây.
Thật ra, đó cũng là điều tôi mong muốn. Không có gì hạnh phúc hơn khi suốt ngày ngồi đọc thơ hoặc lý thuyết về thơ rồi viết về thơ với một thứ ngôn ngữ cũng bàng bạc chất thơ. Biết vậy, nhưng tôi lại không thể không viết về chính trị. Không viết, có cái gì cứ như bực bực, bứt rứt, day dứt, ấm ức, thậm chí, uất ức không nguôi. Có cảm giác như nghe có ai gào thét ngoài cửa. Nếu không thể mở cửa ra ngoài, tôi cũng không thể nào ngủ được: tiếng gào thét cứ dội thông thống vào lòng. Có lúc tôi nghe trong tiếng gào thét ấy, có giọng của ba tôi, của anh em tôi, của bạn bè tôi, và mẹ tôi, từ dưới mộ, rên rỉ. Không thể nào ngủ được. Đành viết.
Hơn nữa, càng ngày tôi càng khám phá, đúng hơn, cảm nhận sâu hơn, một điều: Không có sự khác biệt quá lớn giữa việc bình luận chính trị và phê bình văn học. Ít nhất, với riêng tôi, trong cả hai trường hợp, tôi đều có một đối tượng giống nhau: văn bản.
Văn học là một văn bản, đã đành. Từ đầu thế kỷ 20, hầu hết các nhà phê bình văn học ở Tây phương, đặc biệt trong nhóm Hình thức luận của Nga và Phê bình mới của Anh và Mỹ, đều nhấn mạnh điều đó. Từ giữa thế kỷ 20, các nhà cấu trúc luận phát hiện thêm một điều khác: Mọi hiện tượng trong đời sống đều có thể được xem là những ký hiệu (sign) tức hàm chứa khả năng phát nghĩa. Các nhà hậu cấu trúc luận tiến xa hơn một bước, lý luận: Nếu tất cả các hiện tượng đều có thể được xem là một ký hiệu, nó cũng có thể được xem là một văn bản (text). Cách hiểu ấy rõ ràng là một sự nới rộng nội hàm khái niệm văn bản vốn trước đó chỉ được dùng giới hạn trong các loại diễn ngôn viết. Theo đà ấy, các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa xem sự tiêu thụ là một văn bản (consumption as a text); các nhà hậu thực dân luận xem nhà nước là một văn bản (state as a text); các nhà nữ quyền luận xem thân thể là một văn bản (body as a text).
Với tôi, chính trị cũng là một văn bản (politics as a text). Tôi viết về chính trị như phân tích một văn bản. Về phương diện phương pháp luận, không có sự khác biệt nào lớn. Chỉ có một điều đáng tiếc là, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các văn-bản-chính-trị đều là những văn bản tồi. Nếu ví nó với thơ, đó luôn luôn là một bài thơ trúc trắc lạc vận và dở. Oái oăm là, trong chính trị, khác với trong văn học, chỉ có những bài thơ trúc trắc lạc vận mới thực sự đáng quan tâm. Thơ hay (ví dụ một xã hội lúc nào cũng thanh bình, an lạc và thịnh vượng) thì chả có gì đáng nói cả.
Khi xem việc bình luận chính trị cũng giống việc phân tích một văn bản, tôi cũng muốn nói là: Tôi xem đó như một công việc mang tính khoa học và nghệ thuật hơn là một phản ứng nặng cảm tính. Thành thực mà nói, từ góc độ cá nhân, tôi không có những kỷ niệm quá cay đắng về cộng sản với tư cách con người cũng như với tư cách chủ nghĩa dù, sau khi miền Nam sụp đổ, tôi sống ở Việt Nam đúng 10 năm, trong đó, có gần nửa năm ở tù vì “tội” vượt biên. Nhưng tất cả những gì tôi chịu đựng cũng giống như những gì những người chung quanh chịu đựng. Chắc chắn là nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những các sĩ quan và công chức trong các trại cải tạo. Tôi chả có gì phải oán trách hay ta thán.
Lý do khiến tôi hay phê phán chính quyền trong nước xuất phát từ việc không đồng ý với vô số các chính sách đối nội và đối ngoại của họ, đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc. Từ các chính sách ấy, toát lên một điều: Họ không biết cách lãnh đạo, không có khả năng lãnh đạo. Đó là điều mà rất nhiều học giả nghiên cứu về Việt Nam trên thế giới đều đồng ý: Đảng cộng sản chỉ biết cai trị (rule) chứ không biết quản trị (govern). Để cai trị, rất đơn giản, chỉ cần ba thứ: công an, quân đội và nhà tù. Để quản trị, người ta cần cái đầu và con tim. Cái đầu để biết nhìn xa, nghĩ rộng; và con tim để biết bao dung với những cái khác, từ đó, tạo nên sức mạnh bằng sự đồng thuận chung trong xã hội. Hơn nữa, quản trị cũng cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng cũng như một số đức tính phù hợp với một văn hóa chính trị dân chủ lành mạnh.
Thiếu khả năng quản trị, đảng cộng sản phá hoại nhiều hơn là xây dựng. Đã có nhiều nhà kinh tế học vạch trần: Mảng kinh tế quốc doanh do nhà nước trực tiếp quản lý là mảng lỗ lã nhiều nhất, nợ nần nhiều nhất, và đặc biệt, thối nát nhất. Tất cả những thành tựu về kinh tế của Việt Nam đều đến từ những mảng tư nhân. Để phản ứng lại những sự phê phán của dân chúng trước các thất bại trong lãnh vực quản trị, đảng cộng sản lại tăng cường vai trò cai trị bằng các biện pháp khủng bố tàn khốc.
Tuy nhiên, điều tôi phản đối nhất là tính chất độc tôn và độc tài của chế độ cộng sản. Có nhiều lý do. Lý do đầu tiên, với tư cách một con người, là: nó vô nhân đạo; với tư cách một công dân, là: nó tàn phá đất nước hầu như trên mọi mặt, không những chỉ về kinh tế mà còn về xã hội, văn hóa, giáo dục và đạo đức; với tư cách một trí thức, là: nó ngu dân hóa; với tư cách một người cầm bút, là: nó giành độc quyền viết lịch sử một cách gian trá. Tôi không có tham vọng cứu dân chúng, đất nước và nhân tính, tôi chỉ muốn làm một điều trong phạm vi khả năng và sở trường của mình: quyết giành cho được cái quyền được góp phần tạo nên những tự sự (narrative) khác. Bằng chính ngòi bút của mình.
Viết về chính trị nhiều, nhưng những cái đọc chính của tôi hiện nay vẫn là về văn học. Tôi không ngớt bị ám ảnh về văn học. Văn học, với tôi, như một người tình không bao giờ tôi không nghĩ tới. Rồi một lúc nào đó, vì một lý do nào đó, những bức xúc trong tôi nguôi ngoai dần, tôi sẽ ngưng viết về chính trị để lại chỉ mải mê trầm trồ tán thưởng một cuốn truyện hay hay một câu thơ có âm hưởng cứ vang vang hoài trong trí nhớ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Thật ra, đó cũng là điều tôi mong muốn. Không có gì hạnh phúc hơn khi suốt ngày ngồi đọc thơ hoặc lý thuyết về thơ rồi viết về thơ với một thứ ngôn ngữ cũng bàng bạc chất thơ. Biết vậy, nhưng tôi lại không thể không viết về chính trị. Không viết, có cái gì cứ như bực bực, bứt rứt, day dứt, ấm ức, thậm chí, uất ức không nguôi. Có cảm giác như nghe có ai gào thét ngoài cửa. Nếu không thể mở cửa ra ngoài, tôi cũng không thể nào ngủ được: tiếng gào thét cứ dội thông thống vào lòng. Có lúc tôi nghe trong tiếng gào thét ấy, có giọng của ba tôi, của anh em tôi, của bạn bè tôi, và mẹ tôi, từ dưới mộ, rên rỉ. Không thể nào ngủ được. Đành viết.
Hơn nữa, càng ngày tôi càng khám phá, đúng hơn, cảm nhận sâu hơn, một điều: Không có sự khác biệt quá lớn giữa việc bình luận chính trị và phê bình văn học. Ít nhất, với riêng tôi, trong cả hai trường hợp, tôi đều có một đối tượng giống nhau: văn bản.
Văn học là một văn bản, đã đành. Từ đầu thế kỷ 20, hầu hết các nhà phê bình văn học ở Tây phương, đặc biệt trong nhóm Hình thức luận của Nga và Phê bình mới của Anh và Mỹ, đều nhấn mạnh điều đó. Từ giữa thế kỷ 20, các nhà cấu trúc luận phát hiện thêm một điều khác: Mọi hiện tượng trong đời sống đều có thể được xem là những ký hiệu (sign) tức hàm chứa khả năng phát nghĩa. Các nhà hậu cấu trúc luận tiến xa hơn một bước, lý luận: Nếu tất cả các hiện tượng đều có thể được xem là một ký hiệu, nó cũng có thể được xem là một văn bản (text). Cách hiểu ấy rõ ràng là một sự nới rộng nội hàm khái niệm văn bản vốn trước đó chỉ được dùng giới hạn trong các loại diễn ngôn viết. Theo đà ấy, các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa xem sự tiêu thụ là một văn bản (consumption as a text); các nhà hậu thực dân luận xem nhà nước là một văn bản (state as a text); các nhà nữ quyền luận xem thân thể là một văn bản (body as a text).
Với tôi, chính trị cũng là một văn bản (politics as a text). Tôi viết về chính trị như phân tích một văn bản. Về phương diện phương pháp luận, không có sự khác biệt nào lớn. Chỉ có một điều đáng tiếc là, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, các văn-bản-chính-trị đều là những văn bản tồi. Nếu ví nó với thơ, đó luôn luôn là một bài thơ trúc trắc lạc vận và dở. Oái oăm là, trong chính trị, khác với trong văn học, chỉ có những bài thơ trúc trắc lạc vận mới thực sự đáng quan tâm. Thơ hay (ví dụ một xã hội lúc nào cũng thanh bình, an lạc và thịnh vượng) thì chả có gì đáng nói cả.
Khi xem việc bình luận chính trị cũng giống việc phân tích một văn bản, tôi cũng muốn nói là: Tôi xem đó như một công việc mang tính khoa học và nghệ thuật hơn là một phản ứng nặng cảm tính. Thành thực mà nói, từ góc độ cá nhân, tôi không có những kỷ niệm quá cay đắng về cộng sản với tư cách con người cũng như với tư cách chủ nghĩa dù, sau khi miền Nam sụp đổ, tôi sống ở Việt Nam đúng 10 năm, trong đó, có gần nửa năm ở tù vì “tội” vượt biên. Nhưng tất cả những gì tôi chịu đựng cũng giống như những gì những người chung quanh chịu đựng. Chắc chắn là nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với những các sĩ quan và công chức trong các trại cải tạo. Tôi chả có gì phải oán trách hay ta thán.
Lý do khiến tôi hay phê phán chính quyền trong nước xuất phát từ việc không đồng ý với vô số các chính sách đối nội và đối ngoại của họ, đặc biệt, trong quan hệ với Trung Quốc. Từ các chính sách ấy, toát lên một điều: Họ không biết cách lãnh đạo, không có khả năng lãnh đạo. Đó là điều mà rất nhiều học giả nghiên cứu về Việt Nam trên thế giới đều đồng ý: Đảng cộng sản chỉ biết cai trị (rule) chứ không biết quản trị (govern). Để cai trị, rất đơn giản, chỉ cần ba thứ: công an, quân đội và nhà tù. Để quản trị, người ta cần cái đầu và con tim. Cái đầu để biết nhìn xa, nghĩ rộng; và con tim để biết bao dung với những cái khác, từ đó, tạo nên sức mạnh bằng sự đồng thuận chung trong xã hội. Hơn nữa, quản trị cũng cần rất nhiều kiến thức và kỹ năng cũng như một số đức tính phù hợp với một văn hóa chính trị dân chủ lành mạnh.
Thiếu khả năng quản trị, đảng cộng sản phá hoại nhiều hơn là xây dựng. Đã có nhiều nhà kinh tế học vạch trần: Mảng kinh tế quốc doanh do nhà nước trực tiếp quản lý là mảng lỗ lã nhiều nhất, nợ nần nhiều nhất, và đặc biệt, thối nát nhất. Tất cả những thành tựu về kinh tế của Việt Nam đều đến từ những mảng tư nhân. Để phản ứng lại những sự phê phán của dân chúng trước các thất bại trong lãnh vực quản trị, đảng cộng sản lại tăng cường vai trò cai trị bằng các biện pháp khủng bố tàn khốc.
Tuy nhiên, điều tôi phản đối nhất là tính chất độc tôn và độc tài của chế độ cộng sản. Có nhiều lý do. Lý do đầu tiên, với tư cách một con người, là: nó vô nhân đạo; với tư cách một công dân, là: nó tàn phá đất nước hầu như trên mọi mặt, không những chỉ về kinh tế mà còn về xã hội, văn hóa, giáo dục và đạo đức; với tư cách một trí thức, là: nó ngu dân hóa; với tư cách một người cầm bút, là: nó giành độc quyền viết lịch sử một cách gian trá. Tôi không có tham vọng cứu dân chúng, đất nước và nhân tính, tôi chỉ muốn làm một điều trong phạm vi khả năng và sở trường của mình: quyết giành cho được cái quyền được góp phần tạo nên những tự sự (narrative) khác. Bằng chính ngòi bút của mình.
Viết về chính trị nhiều, nhưng những cái đọc chính của tôi hiện nay vẫn là về văn học. Tôi không ngớt bị ám ảnh về văn học. Văn học, với tôi, như một người tình không bao giờ tôi không nghĩ tới. Rồi một lúc nào đó, vì một lý do nào đó, những bức xúc trong tôi nguôi ngoai dần, tôi sẽ ngưng viết về chính trị để lại chỉ mải mê trầm trồ tán thưởng một cuốn truyện hay hay một câu thơ có âm hưởng cứ vang vang hoài trong trí nhớ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.