Đường dẫn truy cập

Pháp dỡ phong tỏa, tình hình dịch ‘đã yên tâm’


Người dân Pháp đi hớt tóc sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ
Người dân Pháp đi hớt tóc sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ

Một Việt kiều hiện đang sống ở thủ đô Paris của Pháp cho biết tình hình dịch bệnh ở nước này ‘đã yên tâm rồi’ sau khi Pháp dỡ bỏ phong tỏa và cho rằng cộng đồng người Việt ở Pháp đa phần ‘bình tĩnh’ và ‘bình an’ trong đại dịch.

Sau gần hai tháng phong tỏa đất nước để ngăn chặn sự lây lan của virus corona, hôm 11/5 Pháp đã dỡ bỏ phong tỏa từng phần bắt đầu với việc mở cửa lại các trường học. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ phong tỏa ở Pháp được thực hiện tuần tự theo nhiều bước và được phân tách ra giữa vùng đỏ (vùng ảnh hưởng nặng nhất) và vùng xanh (vùng an toàn).

Cho đến ngày 14/5, Pháp đã báo cáo gần 180.000 ca nhiễm virus corona, trong đó có hơn 27.000 người tử vong, xếp thứ 7 thế giới về số ca nhiễm và thứ 5 về số ca tử vong.

‘Không quá lo lắng’

Trao đổi với VOA từ ngoại ô thủ đô Paris, bà Trần Thị Kim Hoa, người sinh sống ở Pháp 42 năm nay kể từ sau khi vượt biên khỏi Việt Nam năm 1978, cho biết ‘cuộc sống đã trở lại bình thường, trừ nhà hàng và những nơi tụ tập đông người như rạp hát hay công viên, và chính phủ vẫn yêu cầu mọi người phải cẩn thận khi ra đường.

“Có thể nói là đã yên tâm rồi. Hãng xưởng đã được mở cửa một cách tự do rồi,” bà cho biết.

Các biện pháp cẩn thận mà bà nói đến là đeo khẩu trang, đi lại giữ khoảng cách, giảm thiểu tối đa tiếp xúc với người khác và ‘không tụm 5, tụm 3 như trước’.

Tuy nhiên, bà cho biết do đặc thù thời tiết và cách sinh hoạt bên Pháp nên ‘có những người không chịu đeo khẩu trang’.

“Cũng có một số người chấp nhận dễ dàng như chúng tôi. Hồi xưa tôi có bao giờ đeo mặt nạ giống như bên Việt Nam đâu mà bây giờ ra ngoài đường cũng phải che mặt che mày theo lệnh của chính phủ,” bà nói.

Bà Hoa cho biết hai vợ chồng bà trải qua thời gian cách ly ‘một cách bình thản’.

“Cá nhân tôi cảm thấy bình thường, cứ sống một cách tự nhiên. Mình lo sợ chưa chắc tránh được mà đề phòng quá cũng chưa chắc không bị bệnh,” bà giải thích.

Bà nói do hai vợ chồng bà không rời khỏi căn hộ nửa bước trừ những lúc ra ngoài mua thực phẩm nên ‘cũng có hơi bực bội chút xíu’.

Về điều kiện kinh tế trong mùa dịch, bà cho biết ngoài chồng bà vẫn lãnh lương hưu, bản thân bà vẫn nhận 100% lương trong suốt gần hai tháng nghỉ ở nhà chống dịch.

“Trường học nơi tôi làm đóng cửa nên tôi không đi làm được. Tôi ở nhà chỉ ăn ở không rồi ngủ nhưng vẫn được lãnh đủ lương không bị bớt gì cả,” bà nói.

Theo tìm hiểu của VOA thì trong thời gian phong tỏa, những người hưởng lương nhà nước bên Pháp vẫn được hưởng lương đầy đủ còn nhân công trong các hãng, xưởng tư nhân vẫn được trả 84% lương để ở nhà và số tiền này sẽ được chính phủ Pháp hoàn lại cho các doanh nghiệp.

“Cuộc sống của người dân bên này trong dịch bệnh chưa thấy ai phàn nàn gì cả,” bà Hoa nói. “Gia đình tôi vẫn sống một cách thoải mái.”

“Với sự hỗ trợ của chính phủ như vậy, người dân không có gì phải quá lo lắng mặc dù con số tử vong ở Pháp không phải là thấp,” bà giải thích.

“Phần nhiều những người chết là người lớn tuổi có tiền sử bệnh chứ người trẻ không có mấy người chết nên người dân không có hoang mang lắm đâu,” bà nói thêm.

‘Đa số tuân thủ’

Theo bà Hoa thì dỡ bỏ phong tỏa ở Pháp vào lúc này ‘không hẳn là hoàn toàn yên tâm’ nhưng nếu không mở cửa lại thì ‘kinh tế sẽ đi xuống rất nhiều còn người dân sẽ bị gò bó quá lâu’.

“Chỉ cần người dân chịu khó đề phòng một chút thì dỡ bỏ phong tỏa không phải là điều tệ,” bà nói.

Theo quan sát của bà Hoa thì ‘dân Pháp rất tuân thủ các biện pháp mà chính phủ khuyến cáo khi đi ra ngoài’. Chỉ có một số người dân nhập cư châu Phi hay Ả Rập bà nói là ‘ý thức tuân thủ kém một chút’.

Nhận định về cách phản ứng trước dịch bệnh từ chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron, bà Hoa nói rằng việc phong tỏa đất nước ‘đã gây thiệt hại rất nhiều về kinh tế’ nhưng chính phủ ‘đã có những biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động’.

“Chính phủ đề phòng không kịp. Họ không nghĩ dịch bệnh tiến hành nhanh như vậy cho nên họ trở tay không kịp trong việc mua khẩu trang hay đóng cửa biên giới này nọ,” bà nói.

“Tây họ chưa bị người Tàu đô hộ giống như người Việt,” bà giải thích. “Người Việt đã quá hiểu người Tàu rồi nên họ đề phòng một cách dễ dàng.”

Bà chỉ ra một hành động của Tổng thống Macron mà bà khen ngợi là ‘lên tuyến đầu trong việc đeo khẩu trang và khuyến khích việc sản xuất khẩu trang tại Pháp’ sau khi hàng khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc có chất lượng xấu.

“Ông Macron đã đeo những khẩu trang làm tại Pháp có in hình lá cờ tam tài ở một góc,” bà Hoa dẫn chứng.

‘Cộng đồng bình an’

Về cộng đồng người Việt, bà cho biết trong những người thân quen và bạn bè của bà, bà ‘chưa nghe nói có ai bị chết vì virus corona cả’.

“Chúng tôi gọi điện, hỏi thăm nhau, nói chuyện với nhau ai cũng hỉ hả cười vui vẻ - hổng ai lo sợ gì cả.”

Do lệnh phong tỏa nên các cơ sở tôn giáo, các hội đoàn của người Việt cũng ngưng mọi hoạt động, bà cho biết. “Ngày Phật Đản, Lễ Phục Sinh chỉ có mấy thầy, mấy cha làm lễ một mình trong chùa, trong nhà thờ,” bà nói.

“Chúng tôi có liên hệ với nhau vào ngày Quốc hận 30/4 và có đề nghị mỗi nhà làm một cái gì đó để tưởng niệm qua mạng chứ không có làm rầm rộ ngoài đường,” bà nói thêm.

Bà Hoa xác nhận với VOA rằng ở bên Pháp có tình trạng kỳ thị nhắm vào người gốc Á, trong đó có người Việt, kể từ khi dịch bệnh xảy ra.

“Người Pháp bắt đầu kỳ thị người Tàu nhiều lắm, chẳng hạn như trên metro (xe điện ngầm), hay ở khu người Tàu như ở các quận 13, quận 20 người Pháp cũng bắt đầu kiêng dè,” bà nói.

“Tôi cũng có nghe về sự kỳ thị nhắm vào người Việt. Nhưng tự lương tâm mình biết mình không phải như vậy nên cũng không có gì phải buồn,” bà nói thêm và giải thích rằng người Việt ‘bị vạ lây’ vì ‘người Pháp không phân biệt được, cứ thấy da vàng mũi tẹt thì cho là người Tàu.’

Theo lời bà kể thì trong cộng đồng người Việt cũng có những nhóm may khẩu trang đi hiến tặng, giúp đỡ đi chợ cho người già hay mua vật dụng biếu cho những người thiếu thốn.

Ngoài ra, các nhà hàng, nhà chùa, nhà thờ của người Việt thỉnh thoảng ‘vẫn nấu đồ ăn đem tới cho các bác sỹ, y tá trong bệnh viện’, bà Hoa cho biết thêm.

“Họ làm ở quy mô nhỏ chứ không khuếch trương lớn như bên Mỹ,” bà nói.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG