Trong những tháng gần đây các thiên tai cứ dồn dập xảy ra. Những trận lụt gây tai họa cho 20 triệu người và đã giết chết đến 1.600 người.
Lụt lội và đất lở mới đây tại Trung Quốc, cháy rừng ở Nga và hạn hán ở Niger cũng làm thiệt mạng hàng ngàn người và tác hại cho nhiều triệu người nữa. Cơ quan Chiến lược Quốc tế Giảm thiểu Thiên tai cho biết tình trạng khí hậu biến đổi đang làm gia tăng thêm những những thiên tai này, nhưng những yếu tố khác cũng đang làm cho tầm cỡ thiệt hại thêm trầm trọng.
Giám đốc cơ quan, ông Salvano Briceno, nói rằng việc định cư của con người đang ngày càng trở nên dễ bị thiên tai tác hại khi người ta chọn hay được phép cho sinh sống ở những nơi nhiều nguy cơ, giả dụ như dọc theo bờ sông hay những sườn đồi núi mà cây cối đã bị đốn sạch.
Ông cho biết đây chính là điều đã xảy ra tại Pakistan:
”Nếu như người dân không sống dọc theo bờ sông thì chắc chắn thiệt hại sẽ ít hơn, vì đấy là nguyên nhân chính của tai họa. Chúng ta biết rõ những con sông chảy đi đâu, và điều này đòi hỏi chính phủ tất cả mọi cấp, từ địa phương đến trung ương, phải lượng định đúng về những nguy cơ hầu tránh không để dân đến sinh sống ở những nơi ấy. Có những chỗ khác có thể để cho dân đến định cư."
Ông Briceno nêu lên rằng sau trận động đất tại vùng Kashmir năm 2005 Pakistan đã có những biện pháp hợp lý. Nhưng ông nói thêm là rất khó cho chính phủ áp dụng những biện pháp giảm thiểu nguy cơ trong dài hạn vì tình trạng nghèo đói và chiến tranh.
Nhiều quốc gia như Cuba và Chi Lê đã thiết đặt đâu vào đấy những hệ thống cảnh báo sớm và các biện pháp khác. Đây là hai quốc gia đã thành công trong việc giảm thiểu thiệt hại nhân mạng do thiên tai gây ra.
Trung Quốc đang làm rất nhiều để tìm cách giảm thiểu nguy cơ của thiên tai và có một trong những hệ thống đáp ứng khẩn cấp hữu hiệu nhất thế giới. Tuy nhiên ông nói thêm là những thử thách của nước này vô cùng to lớn.
Ông cho biết Senegal và Burkina Faso đang đạt được tiến bộ trong việc trồng rừng để giảm tình trạng sa mạc hóa. Nhưng theo ông, nước Niger nghèo khó cùng cực, khó mà có thể thiết đặt những biện pháp giảm thiểu nguy cơ.
Tuy nhiên theo ông, có những bước mà Niger có thể cho áp dụng để giảm bớt hệ quả của nạn hạn hán kinh niên ở quốc gia này:
”Để giảm bớt hệ quả của hạn hán, các chính sách nông nghiệp cần phải xét đến vấn đề giảm thiểu nguy cơ và trồng các loại cây lương thực có thể chịu đựng được tình trạng khô hạn, ví dụ như phải trồng các loại cây lương thực nhiều hơn, có hệ thống hơn, chứ không phải chỉ là những loại hoa màu từ trước đến giờ họ vẫn trồng.
Có những loại cây lương thực cần rất nhiều nước, và rằng người dân trồng là do tập quán, nó là loại lương thực truyền thống từ lâu trong nước. Người ta vẫn tiếp tục dùng khi mà cần phải chuyển đổi sang thứ khác. Trong một vài trường hợp, người ta cần phải chuyển đổi loại cây lương thực."
Ông Briceno cho rằng tai họa không phải tự nhiên xảy ra, theo ông chính bàn tay con người đã gây nên tai họa.
Ông nói là khi tai họa xảy đến, trợ giúp nhân đạo là điều thiết yếu. Nhưng khi giai đoạn khẩn cấp đã qua, chính phủ cần phải xét đến chuyện đầu tư vào các biện pháp dài hạn hầu ngăn ngừa những điều tệ hại nhất có thể xảy ra trong tương lai.
Một cơ quan của Liên Hiệp Quốc cho rằng lẽ ra ảnh hưởng của các trận lụt tại Pakistan không đến nỗi tai hại như thế nếu như đã có được các biện pháp phòng chống đúng cách. Cơ quan Chiến lược Quốc tế Giảm thiểu Thiên tai nói rằng con số người bị ảnh hưởng của lụt lội lên quá cao vì quá nhiều người được để cho cư trú ở những nơi có nhiều nguy cơ.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1