Ông Ban mô tả sự tàn phá mà ông chứng kiến trong chuyến thăm Pakistan cuối tuần:
Ông Ban nói: “Hết làng nọ đến làng kia bị cuốn trôi. Đường sá, cầu, nhà cửa bị tàn phá. Hoa mầu và nguồn sinh nhai bị xóa sạch. Tôi đã gặp những người đàn ông và những người phụ nữ mà thời bình cũng chẳng có là bao, nay còn đắm chìm trong bể khổ.”
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi cũng lập lại nhu cầu cấp bách đó và nói rằng nước ông đang đứng trước “một thảm họa thiên nhiên ở mức độ chưa từng có từ trước đến nay.”
Ông Qureshi nói: “Bất kể cam kết và quyết tâm của chúng tôi, tầm mức khó khăn thật là to lớn, lớn đến độ không một quốc gia đang phát triển nào có thể tự mình đối phó. Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ đứng ra hết lòng giúp đỡ.”
Nước lụt đã tàn phá một phần năm đất nuớc kể từ khi những cơn mưa mùa đổ xuống vào cuối tháng 7. Theo dự trù, sẽ còn mưa thêm ít nhất 2 tuần nữa. Liên hiệp quốc và chính phủ Pakistan cho hay 20 triệu người đã gánh chịu tác động và đã đưa ra lời kêu gọi quyên góp nửa tỷ đôla để tài trợ cho các nhu cầu cấp thiết như thực phẩm, nước uống, nơi trú thân và vệ sinh. Trong tuần lễ vừa qua, hơn phân nửa ngân khoản vừa kể đã được cam kết, nhưng viện trợ sẽ không đến kịp nhanh và lời kêu gọi đã được lập lại hôm thứ năm.
Hoa Kỳ đã đứng ở tuyến đầu trong công cuộc cứu trợ Pakistan kể từ khi nước lụt bắt đầu dâng. Ngoại trưởng Hillary Clinton đã hứa Hoa Kỳ sẽ đứng cạnh Pakistan trong khi nước này tái thiết. Bà loan báo Washington sẽ tăng viện trợ cứu lụt thêm 60 triệu đôla lên thành 150 triệu đôla.
Bà Clinton nói: “Khoảng 92 triệu trong tổng số đó là để trợ giúp trực tiếp cho kết hoạch cứu trợ của Liên hiệp quốc. Ngân khoản này đang được sử dụng để cung cấp tiếp liệu cấp thiết và hỗ trợ cho các hoạt động của Cục Quản lý Thiên tai của Pakistan cùng các tổ chức khác bên trong Pakistan. Hoa Kỳ còn cung cấp trợ giúp kỹ thuật và huy động các nguồn lực quân sự và dân sự nữa. Hôm nay, tôi muốn kêu gọi công chúng Mỹ và các đại công ty của Mỹ hỗ trợ cho các nỗ lực cứu hộ đó. Mỗi một đôla đều góp phần xoay chuyển tình thế.”
Liên hiệp châu Âu cũng loan báo một khoản đóng góp đáng kể và cho biết sẽ tăng viện trợ cứu lụt lên tới hơn 180 triệu đôla. Vương quốc Anh cho hay sẽ tăng gấp đôi khoản cam kết lên tới gần 100 triệu đôla.
Gần 50 quốc gia dự trù sẽ phát biểu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Vào lúc khởi đầu phiên họp, các quốc gia thành viên đã phê chuẩn một nghị quyết bầy tỏ sự đoàn kết và cảm thông của cộng đồng quốc tế đối với nhân dân Pakistan và kêu gọi các quốc gia và tổ chức cấp viện mở rộng sự hỗ trợ toàn bộ cho nạn nhân lụt.
Tổng thư ký Ban cũng cho biết ông đang cứu xét việc mở một cuộc họp cấp cao ở Pakistan khi các nhà lãnh đạo thế giới tề tựu ở trụ sở Liên hiệp quốc vào tháng tới để dự cuộc thảo luận thường niên của Đại hội đồng.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế rộng lòng giúp đỡ dân chúng ở Pakistan. Ông Ban đã đi thăm quốc gia bị lụt lội tàn phá hôm chủ nhật và noí rằng cần có thêm tiền gấp để đáp ứng các nhu cầu cấp bách như thực phẩm, nơi trú thân và chăm sóc y tế. Đáp lại lời kêu gọi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton loan báo Hoa Kỳ sẽ gia tăng viện trợ cứu lụt cho Pakistan lên tới 150 triệu đôla. Từ trụ sở Liên hiệp quốc, nơi diễn ra một phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng hồi hôm qua để bàn về tình hình tại Pakistan, thông tín viên VOA Margarer Besheer ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1