Các số liệu do Liên Hiệp Quốc liệt kê nói rằng gần 14 triệu người đã phải đối phó với những ảnh hưởng của lũ lụt.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-Moon nói: “Tôi hết sức lo ngại về các ảnh hưởng của lũ lụt mà con người phải gánh chịu. Mức độ của thiên tai này ngang ngửa với trận động đất vào tháng 10 năm 2005, nhưng lần này, thiên tai này tác động đến một diện tích lớn hơn nhiều.”
Vùng bị ảnh hưởng lũ lụt nặng nề nhất là tỉnh Kyber Pakhtunkhwa ở tây bắc. Tại tỉnh này đang có hơn 600.000 người bị kẹt tại Thung lũng Swat, nơi mà hầu hết cầu cống và đường sá đã bị nước lũ cuốn trôi. Hàng trăm ngàn người khác đang ở vào khu vực dòng nước lũ quét qua tại tỉnh Punjab và tỉnh Singh ở miền nam, nơi sản xuất ra một lượng lớn lương thực của Pakistan.
Tổ chức Y tế Thế giới nói rằng tình trạng thiếu nước sạch và an toàn đẩy dân chúng tại các khu vực lũ lụt tới nguy cơ lây nhiễm cao các loại dịch bệnh do nước lây truyền như tiêu chảy và dịch tả.
Tổng thư ký Ban Ki-Moon nói rằng Liên hiệp quốc sẽ nhanh chóng phổ biến lời kêu gọi quyên góp hàng trăm triệu đôla nhằm đáp ứng những nhu cầu tức thời của người dân Pakistan, nhưng ông cũng cảnh báo là nỗ lực cứu trợ sẽ cần thiết cho những giai đoạn sắp tới.
Ông Ban nói: “Tuy nhiên cho phép tôi nhấn mạnh vào lúc này là chúng ta cũng cần phải nghĩ đến các nỗ lực cứu trợ cho trung hạn và dài hạn. Đây sẽ là một nhiệm vụ chính yếu và kéo dài. Tôi kêu gọi các nhà cấp viện rộng lòng giúp đỡ Pakistan trong giai đoạn khó khăn này.”
Cộng đồng quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ, đã cam kết viện trợ hàng triệu đôla. Trong số hàng cứu trợ Hoa Kỳ gởi đến có 6 máy lọc nước, mỗi chiếc có thể cung cấp nước sạch cho 10.000 người mỗi ngày.
Theo Liên hiệp quốc, số người bị ảnh hưởng lũ lụt ở Pakistan nay vượt quá tổng số người bị ảnh hưởng của ba thiên tai cộng lại là trận sóng thần năm 2004, trận động đất tại Pakistan năm 2005 và trận động đất hồi đầu năm nay ở Haiti. Thông tín viên Ira Mellman của đài VOA ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1