Tài sản toàn bộ của khối người giàu nhất chiếm tỷ lệ 1% trên thế giới sẽ vượt trội số tài sản của 99% còn lại ở một thời điểm nào đó trong năm 2016, theo cơ quan từ thiện chống nghèo Oxfam. Những người vận động đang yêu cầu giới lập chính sách có biện pháp giải quyết khoảng cách biệt ngày càng mở rộng giữa những người ‘có của’ và những người ‘không có gì.” Thông tín viên VOA Henry Ridgwell tường trình từ London.
Oxfam nói một ‘sự bùng nổ về tình trạng bất bình đẳng’ đang gây trở ngại cho cuộc chiến chống nghèo trên toàn cầu. Khi 1 trong 9 người ở khắp nơi trên thế giới không có đủ thực phẩm để ăn, thì khoảng cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng thật là đáng sợ, theo nhận định của ông Max Lawson thuộc tổ chức Oxfam:
“Một sự tập trung của cải không thể tưởng được ở ngay chóp bu của xã hội, mang tính cách hết sức chia rẽ và rất thiếu hiệu quả về kinh tế. Vì thế chúng tôi rất lo ngại về sự kiện ấy. Nó tệ hại cho hành tinh, nó tệ hại cho nền kinh tế, và dường như còn đang trở nên tệ hại hơn.”
Bản phúc trình được đưa ra vào lúc các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh chuẩn bị họp tại Davos, Thuỵ Sĩ tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Những người vận động, như ông Lawson, đang kêu gọi các nhà lập chính sách đóng vai trò của mình trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng, khởi sự bằng cách đánh thuế người giàu nhiều hơn:
“Ta có những công ty mỏ ở châu Phi mải miết làm ra cả núi của mà không phải đóng thuế. Thuế không phải chỉ là vấn đề tiền bạc. Tốt hơn là đánh đồng thuế với các trường học, các bệnh viện.”
Sử dụng các dữ liệu của ngân hàng Tín dụng Thuỵ Sĩ và tạp chí Forbes, Oxfam nói số 1% những người giàu nhất trong khối dân trên thế giới hiện sở hữu 48% tài sản thế giới – và con số này sẽ vượt quá 50% vào năm tới.
Giáo sư Andy Green thuộc Viện Giáo dục của trường Đại học London nói có rất nhiều cơ chế thúc đẩy tình trạng bất bình đẳng.
“Sự thay đổi kỹ thuật, mang tính thành kiến nghiêng về các kỹ năng cao hơn, giảm thiểu nhu cầu về những người kỹ năng thấp và do đó giảm thiểu sức mạnh của họ trong việc mặc cả lương hướng. Làm suy yếu các công đoàn. Đem lại thêm sức mạnh cho các công ty.”
Ông Green nói sức mạnh đó được sử dụng để gây ảnh hưởng đối với chính sách của chính phủ:
“Các công ty lớn nay có quá nhiều quyền vận động lập pháp. Và luật lệ tạo ra rất nhiều cách biệt không những đối với hiệu năng của công ty về mọi mặt, mà còn đối với những gì có thể làm được về mặt chi trả cho những người kiếm nhiều tiền nhất.”
Cùng với các lập luận về đạo đức và kinh tế, còn có những liên hệ giữa sự bất bình đẳng về tài sản và bạo lực – trong đó có khủng bố, theo Giáo sư Tim Krieger của trường Đại học Freiburg ở Đức, trong cuộc nói chuyện với VOA qua Skype:
“Ngay cả khủng bố tôn giáo cũng có một thành tố kinh tế mạnh. Vậy là ta dùng tôn giáo như một phương tiện để bày tỏ sự bất bình đối với tình hình chính trị, với tình hình kinh tế. Và chính sự bất bình đẳng đóng một vai trò ở đây.”
Các chuyên gia phân tích nói một trong những khu vực mà tình trạng bất bình đẳng về của cải đã thúc đẩy bất ổn xã hội trong những năm vừa qua là miền nam châu Âu. Tại Hy Lạp, nước bị tác động nặng nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu – chính trị cực đoan đang trên đà gia tăng, và các cuộc thăm dò cho thấy đảng Syriza cực tả dự trù sẽ thắng trong cuộc bầu cử tuần tới.