Những người tổ chức Diễn đàn Liên hiệp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền cho biết họ muốn đề ra những nguyên tắc chính để các công ty cam kết bảo vệ nhân quyền của những người và những cộng đồng. Theo tường thuật của thông tín viên Lisa Schlein của đài VOA ở Geneve, hội nghị 3 ngày, quy tụ hơn 1.500 người từ khắp nơi trên thế giới, là sự kiện lớn nhất được dành riêng cho vấn đề kinh doanh và nhân quyền.
Thứ tư tuần này đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày xảy ra thảm họa Bhopal ở Ấn Độ. Tai nạn công nghiệp này đã gây tử vong cho khoảng 25.000 người và gây thương tích cho hàng trăm ngàn người.
Tại Nigeria, công ty dầu lửa Shell mới đây đã bị tố cáo gây ô nhiễm cho các cộng đồng địa phương.
Có nhiều câu chuyện về việc các doanh nghiệp có những hoạt động làm cho cuộc sống của dân chúng bị hủy hoại và chà đạp quyền làm người của công nhân. Những người tổ chức Diễn đàn Liên hiệp quốc ghi nhận là các công ty cũng tạo ra công ăn việc làm, mang lại những sự sáng tạo và những dịch vụ giúp cho mức sống của dân chúng được nâng cao.
Họ nói rằng hội nghị này không phải là hội nghị bài xích doanh nghiệp. Nhưng đồng thời họ cũng cho biết các doanh nghiệp có trách nhiệm tôn trọng nhân quyền và không gây tổn hại cho các quyền con người.
Bà Margarat Jungk, Phó Chủ tịch Ủy ban Công tác Liên hiệp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền, phát biểu như sau:
"Trong đời thực lúc nào cũng có những vấn đề, và những chuyện sai trái vẫn thường xảy ra. Nhưng khi chuyện đó xảy ra, mọi người có bổn phận phải áp dụng những biện pháp cứu vãn có hiệu quả. Vì vậy, đó là công việc của chính phủ thông qua hệ thống tòa án và những phương tiện khác, nhưng các công ty cũng phải tham gia trong công tác này bằng cách thiết lập những cơ chế khiếu nại và những cách thức để tiếp xúc trực tiếp với các cộng đồng bị ảnh hưởng."
Bà Jungk nói rằng kế hoạch hành động mà hội nghị này đang thảo luận được dựa trên văn kiện có tên Các Nguyên tắc Chỉ đạo của Liên hiệp quốc về Kinh doanh và Nhân quyền.
Theo các nguyên tắc đó, các công ty có bổn phận tôn trọng nhân quyền và tránh xâm hại đến quyền của những người khác ở bất cứ nơi nào mà họ làm ăn. Và khi những vụ ngược đãi xảy ra, các nạn nhân phải được hưởng công lý thông qua những cơ chế tư pháp và phi tư pháp.
Tỷ phú ngành viễn thông Mo Ibrahim là một thương gia người Anh gốc Sudan. Năm 2006 ông lập ra Quỹ Mo Ibrahim để thúc đẩy cho tài lãnh đạo và sự cai trị tốt đẹp ở Phi châu. Quỹ này đã soạn ra một chỉ số cai trị để xếp hạng thành tích hoạt động của các chính phủ Phi châu dựa trên 133 tiêu chí, bao gồm kinh tế, nhân quyền, y tế, giáo dục và chế độ pháp trị.
Ông Ibrahim, người giữ chức chủ tịch của hội nghị quốc tế ở Geneve, nói rằng có những công ty ở khắp nơi trên thế giới không làm ăn tử tế và cần phải buộc những công ty đó chịu trách nhiệm.
"Hãy lấy công nghiệp dầu lửa và hầm mỏ ở Phi châu làm thí dụ. Một số công ty dầu lửa cho tới nay vẫn còn giữ bí mật cho các hợp đồng của họ. Và điều đó có nghĩa là không ai biết được người nào trả cho bao nhiêu tiền cho người nào. Chúng ta có vấn đề chuyển khoản trái phép ở Phi châu. Chúng ta có những hoạt động thiếu an toàn của một số hầm mỏ ở Phi châu. Chúng ta có vấn đề đánh cá bất hợp pháp ở ngoài khơi Phi châu."
Tuy có những sự chỉ trích nhắm vào một số doanh nghiệp, các giới chức Liên hiệp quốc nói rằng cộng đồng kinh doanh thật ra rất ủng hộ cho những nguyên tắc chỉ đạo của Liên hiệp quốc và mục tiêu của hội nghị này. Họ nói rằng sở dĩ như vậy là vì các doanh nghiệp nhận thức rằng việc hoạt động trong một môi trường mà nhân quyền bị chà đạp không mang lại lợi ích cho họ.
Những người tổ chức hội nghị cho biết các doanh nghiệp cần có một môi trường ổn định để làm ăn mua bán, và do đó, họ thường là những người hô hào mạnh mẽ nhất cho thể chế pháp trị và tôn trọng nhân quyền.