Đường dẫn truy cập

Thu hồi tài sản phi pháp


Đã gần 4 năm nay Liên Hiệp Quốc rất chú ý đến việc giúp các nước thu hồi những tài sản phi pháp trên toàn thế giới, đặc biệt là từ những chế độ độc đoán và tham nhũng.

Cách đây hơn 20 năm, khi chế độ CS ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các chế độ mới đã không kịp thời xử lý nghiêm những tài sản phi pháp của hệ thống cầm quyền cũ, nên tài sản chung đã bị tẩu tán, phân tán, lọt lưới pháp luật, tạo nên một số “tỷ phú mafia đỏ hậu cộng sản,” những phe nhóm lợi ích thuộc gia tộc các quan chức cầm quyền cũ; nhờ thế bọn này vẫn chế ngự và lũng đoạn nền kinh tế và tài chính quốc gia, mặc dù lịch sử đã sang trang.

Tháng 3 năm 2007, cuộc họp liên tịch giữa Tổ chức chống buôn lậu và tội ác của LHQ (UNODC) và một nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đã lập ra một cơ chế mang tên Stolen Asset Recovery Initiative (StAR– Chương trình thu hồi tài sản phi pháp) nhằm hướng dẫn và giúp đỡ các nước thực hiện việc thu hồi các tài sản phi pháp bị mất bởi nạn hối lộ, tham nhũng, buôn lậu cấp quốc gia và nộp các tài sản được thu hồi đó vào ngân sách nhà nước hoặc vào các quỹ từ thiện quốc tế nhằm giúp các nước đói nghèo trên thế giới.

Trước đó ở châu Âu đã có tổ chức Serious Organized Crime Agency (SOCA – Cơ quan chống tội ác có tổ chức nghiêm trọng) mang tính chất nghiệp vụ pháp lý chuyên giúp đỡ việc truy tìm những người phạm tội ác nghiêm trọng trong đó có tội tham nhũng ở mọi nơi, mọi nước, cũng như tổ chức Financial Crimes Enforcement Network (FICEN - Mạng luới chống tội ác về tài chính), hay tổ chức Agence Gestion et Recourement des Avoirs Confisqués (AGRAC - Cơ quan quản lý và giải quyết tài sản bị tịch thu). Chính những tổ chức này đã tham gia có hiệu quả vào việc giúp cho Indonesia và Philippines thu hồi một số tài sản phi pháp khá lớn của 2 cựu Tổng thống Suharto và Ferdinand Marcos sau khi 2 ông này bị lật đổ và truy tố. Riêng tài sản phi pháp của vợ chồng Marcos đã được thu về cho ngân sách nhà nước là 4 tỷ US$ trong tổng số 10 tỷ họ đã tước đoạt của công quỹ và nhân dân.

Gần đây các tổ chức trên đây đa giúp cho chính quyền mới ở Libya thu về hon 1 tỷ US$ của nhà độc tài Khaddafi để trao cho Hội đồng Chuyển tiếp sung vào ngân sách quốc gia; ngoài ra các ngân hàng ở Thụy Sỹ cũng đã tự nguyện trao trả cho chính quyền mới ở Tunisia 60 triệu Francs Thụy sỹ, cho chính quyền mới ở Ai Cập 410 triệu Francs Thụy Sỹ và cho chính quyền mới ở Libya 650 triệu Francs Thụy sỹ là tiền ký gửi của các nhà độc tài tham ô Ben Bella, Mubarak và Gadhafi.

Ở Việt Nam vấn đề theo dõi những tài sản tham nhũng phi pháp chưa được xã hội quan tâm thật sự. Những ai tham nhũng, tài sản tham nhũng từ đâu tới, hiện nằm ở đâu, được thu hồi ra sao, bị tẩu tán ra sao, làm sao truy thu được và trả lại vào ngân sách, là những vấn đề các nhà dân chủ, các nhà báo yêu nước, các nhà luật học và luật gia có công tâm cũng như các chuyên gia về thống kê, kế toán…cần quan tâm thu thập tài liệu chứng cứ thật chính xác, cùng với những chứng cứ phạm pháp của ngành công an trong đàn áp, tra tấn làm chết dân trong cơ quan an ninh và nhà giam.

Ví dụ vụ án in tiền polymer ở Úc, phía Úc đã xét xử công khai và tuyên án các kẻ phạm pháp, còn chuyển sang cho chính quyền VN rất nhiều tài liệu tư pháp xác nhận phía công ty Úc đã hối lộ cho các quan chức VN qua Đại tá Công an Lương Ngọc Anh số tiền ¨lại quả¨ lên đến hơn 10 triệu US$. Đã 4 năm nay vụ án bị ém nhẹm, Bộ truởng Tư pháp viện lý do là phía Úc gửi cho quá nhiều tài liệu cần phải dịch ra và nghiên cứu (!), và rồi vụ án bị chìm nghỉm, mặc dù phía Úc nói rõ rằng số tiền hối lộ 10 triệu US$ ấy, nếu thu hồi sẽ thuộc tài sản công của VN, sung vào ngân sách VN, vì đó là số tiền rút ra từ tiền lãi in giấy bạc cho VN. Phía Úc còn chuyển cả ảnh và ghi âm lời khai của bà tham tán thương mại trong sứ quán Úc thú nhận đã giao tiền tận tay ông Anh và từng 2 lần lên giường cùng ông Anh trong khách sạn ở Hà Nội. Vậy mà vụ án vẫn bị ỉm, coi như không có chuyện gì và kẻ tội phạm lớn Lương Ngọc Anh vẫn phởn phơ ngoài vòng luật pháp. Các nhà dân chủ và các luật gia có công tâm không thể để chìm nghỉm một vụ đã rõ ràng như thế. Đã có đại biểu Quốc hội nào chất vấn ông Nguyễn Bá Thanh, thường thực Ủy ban chống tham nhũng về vụ án đã hoàn toàn rõ ràng này? Bộ Luật chống tham nhũng hiện hành có cả một chương dành cho các vụ án có dấu hiệu liên quan với nuớc ngoài, quy định các cơ quan hành chính và tư pháp VN phải khẩn trương hợp tác để giải quyết các vụ án ấy.

Qua các vụ án lớn Vinashin và Vinalines cũng như vụ Bầu Kiên, vụ Dương Chí Dũng liên quan đến 2 tướng công an Phạm Quý Ngọ và Trần Đại Quang, những số tiền khủng hàng nghìn, chục nghìn tỷ đồng đã bị phân tán, tẩu tán gần hết, số tiền thu hồi không đáng kể. Vụ này được coi như là thất bại lớn nhất trong cái gọi là thành quả chống tham nhũng.

Đã đến lúc các anh chị em dân chủ trong nước, các nhà luật học và sinh viên ngành Luật có công tâm, các blogger tự do, các nhà báo trong Hội các nhà báo độc lập cùng các tổ chức dân sự cần chú ý lập phương án, thành lập cơ chế để sưu tầm tài liệu về các vụ tham ô, hối lộ, tham nhũng, ăn cắp tài sản công dưới mọi hình thức để đặt vấn đề phải thu hồi đến mức tối đa các tài sản phi pháp, không để cho tham nhũng phân chia, tẩu tán, cất dấu, gửi gắm trong nước và ngoài nước. Hãy học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và Liên Hiệp Quốc như cơ quan UNODC, StAR, hay các tổ chức SOCA, AGRAC, FICEN đuợc nói đến trên đây để tham gia có hiệu quả vào công cuộc chống tham nhũng.

Kinh nghiệm khắp nơi cho thấy các chính quyền độc đảng vì do bản chất tham nhũng - độc đoán không bao giờ thật lòng phòng chống tham nhũng. Các tổ chức xã hội dân sự, các nhà báo tự do, các nhà luật học có công tâm cần thực sự vào cuộc công khai, mạnh mẽ dựa vào công luận toàn xã hội mới mong xoay chuyển được tình thế, thu hồi tài sản phi pháp về cho đất nước, vì cuộc sống chung của toàn dân .

Không phải ngẫu nhiên công luận thế giới và châu Á đang bàn tán về chuyện các nhóm tư bản đỏ cỡ bự nhất ở Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên… đang tính chuyện di chuyển tài sản theo hướng nào. Và khi có biến động lớn bọn chúng và gia đình sẽ chạy đi đâu để trốn tránh sự phẫn nộ chính đáng của nhân dân? Đi châu Âu, sang Anh, Thụy Sỹ ? Sang Mỹ, Canada, Úc? Lưới trời lồng lộng, pháp luật quốc tế sáng tỏ bủa vây. Các tòa án quốc tế cửa luôn mở. Chạy sang Nga chăng? Hay sang châu Phi, châu Mỹ la tinh? Bay! Biến! Cho tay sai lót ổ trước ở nơi nào, khi đất đang rung chuyển dưới chân chúng… Nhưng chúng sẽ khó kiếm ra chỗ để hạ cánh an toàn, mang theo của cải, tiền bạc, châu báu. Chúng sẽ bị khám xét, săm soi, phải khai báo, giải trình… Nhiều nuớc đang thống kê danh sách khá cập nhật của bầy sâu bọ này.

Việc thu lượm tài liệu, chứng cứ, hồ sơ, phim ảnh của biết bao quan chức ở Trung ương, ở từng huyện, từng tỉnh, từng ngành, tại chức hay đã về hưu, từng ăn bẩn, phạm pháp, nhằm thu hồi cáctài sản phi pháp, là một công tác chính đáng, khẩn trương. Gần đây mới nổi lên những biệt thự phi pháp của ông Trần Văn Truyền khi còn làm thanh tra của chính phủ, một ông đội lốt Bao Công nhưng lộ tẩy là một con sâu loại bự của một chế độ đang tan rã. Còn đợi gì mà không trưng dụng ngôi nhà phi pháp đó để làm vườn trẻ, nhà mẫu giáo, trung tâm an dưỡng cho người tàn tật hay làm bệnh xá cho địa phương, qua xét xử công minh theo luật định, vì các đương sự không có cách gì chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của nó.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Bùi Tín

    Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.

VOA Express

XS
SM
MD
LG