Năm ngoái, khi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đến thăm Hoa Kỳ, Tổng thống Obama đã tiếp đãi ông trọng thể bằng một buổi quốc yến long trọng, buổi quốc yến đầu tiên mà Tổng thống Obama cho tổ chức trong nhiệm kỳ của ông, và Thủ tướng Singh cũng dự tính đáp lễ bằng cung cách tiếp đón trọng thể như vậy trong chuyến công du Ấn Độ của Tổng thống Obama. Theo các cuộc thăm dò công luận thì Tổng thống Obama rất được dân chúng Ấn mến chuộng. Ấn Độ là quốc gia dân chủ đông dân nhất thế giới.
Ấn cũng là một cường quốc kinh tế và chiến lược đang lên với một giai cấp trung lưu ngày càng đông đảo và hầu hết đã tránh được ảnh hưởng tai hại của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Ron Sommers thuộc Hội Đồng Doanh Nghiệp Mỹ-Ấn nói rằng chuyến viếng thăm của Tổng thống Obama có thể sẽ đem lại những lợi ích kinh tế lớn cho cả hai quốc gia.
Ông nói: "Chúng tôi cần tạo thêm công ăn việc làm cho cả hai xã hội, và vì thế điều cần được nhấn mạnh ở đây là tạo một con đường hai chiều giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, với Ấn Độ là một trong các quốc gia có thị trường đang lên nhanh nhất trên thế giới. "
Tăng cường các quan hệ kinh tế Mỹ-Ấn diễn ra vào lúc Ấn Độ cũng đang tìm kiếm các nước bạn hàng ở những nơi khác, trong khuôn khổ của chính sách kinh tế hướng về phương đông. Mới đây Thủ tướng Ấn đã đến thăm Nhật Bản, Việt Nam và Malaysia.
Ông Walter Andersen, chuyên gia về châu Á Thái bình Dương thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế của đại học John Hopkins. Ông cho biết: "Có một tiềm năng vô cùng to lớn cho đầu tư nước ngoài về phần Nhật bản, là nước chưa đầu tư nhiều vào Ấn Độ, nhưng họ sắp đầu tư lớn vào nước này. Và rồi cũng có cả yếu tố chiến lược vì hiện đang có những lo ngại về thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc và rõ ràng là tất cả đều muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với cường quốc thứ nhì tại châu Á là Ấn Độ."
Thành phố Mumbai, trung tâm thương mại náo nhiệt đầy sức sống sẽ là trạm dừng chân đầu tiên của ông Obama. Trong thời gian lưu lại đó, ông sẽ gặp gỡ các giới chức lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ và Mỹ, vinh danh những nạn nhân của vụ tấn công khủng bố năm 2008 và mở một cuộc thảo luận trước cử tọa tại một trường đại học địa phương. Ông cũng sẽ lưu lại khách sạn The Taj Hotel, đã từng là một trong các mục tiêu khủng bố.
Tại New Delhi, Tổng thống Obama dự trù sẽ đọc diễn văn trước Quốc hội và dự kiến sẽ nói tới chuyện cần thiết phải thực thi hiệp ước hạt nhân dân sự Mỹ-Ấn.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết ông Obama cũng có kế hoạch thăm viếng Indonesia, từng bị hoãn lại 2 lần trước đây trong năm nay. Tổng thống sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quần đảo này như quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo lớn nhất, và là một quốc gia thành công trong lãnh vực dân chủ.
Ngoài ra, tại Jakarta, ông Obama dự kiến sẽ viếng đền thờ Istiqlal, lớn nhất tại Indonesia. Tuy vậy, vì không đủ thời gian, ông sẽ không thể đến thăm lại ngôi trường ông đã theo học trong thời thơ ấu, cho dù đây là điều mang nhiều ý nghĩa đối với cá nhân ông.
Trạm dừng chân kế tiếp của Tổng thống Obama sẽ là Seoul, Nam Triều Tiên, nơi công cuộc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 đang được xúc tiến, lần đầu tiên tại một quốc gia châu Á. Sau đó ông Obama sẽ lên đường đi Yokohama dự hội nghị thượng đỉnh của tổ chức Hợp Tác Kinh tế châu Á Thái Bình dương, gọi tắt là APEC.
Trong thời gian lưu lại Seoul, Tổng thống Obama sẽ dự các cuộc thảo luận lần thứ 7 với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, và sẽ đến thăm quân đội Mỹ đang trú đóng tại đây, để đánh dấu kỷ niệm thứ 60 ngày khởi sự cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Ông Nicholas Burns, cựu Thứ trưởng Hoa Kỳ đặc trách các vấn đề chính trị lý luận rằng Hoa Kỳ cần hình thành với Trung Quốc một quan hệ như đã có được với Ấn Độ và các quốc gia châu Á, để đảm bảo rằng sự kiện Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh sẽ theo chiều hướng ôn hòa.
“Điều hợp lý là Hoa Kỳ cần có quyết tâm theo đuổi sự hợp tác chiến lược lâu dài, một kiểu liên minh, với Ấn Độ và Nhật Bản và các nước khác trong tương lai, làm sao để sự thăng tiến của Trung Quốc diễn ra trong một châu Á bình ổn, nơi các cường quốc dân chủ vẫn được duy trì được tư thế hùng mạnh."
Tổng thống Obama sẽ trở về thủ đô Washington ngày 14 tháng 11, vào một lúc mà theo dự kiến đã có thay đổi lớn sau cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ.
Tổng thống Obama sẽ lên đường trong chuyến công du châu Á 10 ngày, khởi đầu bằng chặng dừng chân tại Ấn Độ, sau đó là Indonesia, Nam triều Tiên và Nhật Bản. Thông tín viên Dan Robionson của đài VOA từ Tòa Bạch Ốc sẽ tháp tùng ông cho biết Tổng thống sẽ tìm cách thăng tiến những quan hệ kinh tế và an ninh với từng quốc gia này và vẫn sẽ duy trì những giao tiếp tại Á châu trong lãnh vực kinh tế và an ninh.