Chuyến đi của Tổng thống Mỹ được thực hiện chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Obama gặp thoái bộ quan trọng tại cuộc bầu cử giữa kỳ.
Người Mỹ thường nói dù cho có chuyện gì xảy ra, vấn đề làm ăn buôn bán vẫn phải tiến hành như thường lệ.
Chặng dừng chân đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ là thành phố Mumbai, cùng đi trong đoàn của Tổng thống và phu nhân còn có một nhóm lãnh đạo các đại công ty của Mỹ.
Thành phố Mumbai, thủ đô thương mại của Ấn, còn là nơi mà cách đây 2 năm đã xảy ra vụ khủng bố làm chết hơn 160 người.
Các giới chức của Hoa Kỳ và Ấn Độ đã có kế hoạch bảo vệ an ninh 3 chiều, gồm cả trên bộ, trên không và trên biển; huy động đến mấy ngàn nhân viên mật vụ, tình báo, cảnh sát và trinh sát.
Vùng trời của thành phố Mumbai sẽ cấm tất cả máy bay lên xuống, ra vào, trong khoảng nửa tiếng đồng hồ trước khi máy bay của Tổng thống Mỹ đáp.
Các giới chức Hoa Kỳ đã bác bỏ các tin ở Ấn Độ nói rằng quân đội Hoa Kỳ có kế hoạch bố trí 34 tàu chiến ở ngoài khơi Ấn Độ Dương trong chuyến đi của Tổng thống Obama, và kế hoạch bảo vệ an ninh cho chuyến đi này sẽ có thể làm Hoa Kỳ tốn đến 200 triệu đôla một ngày.
Trong thời gian ở thành phố Mumbai vào hai ngày thứ Bảy và chủ nhật, Tổng thống Obama đã chọn ở tại khách sạn Taj Hotel, trung tâm của vụ khủng bố cách đây hai năm. 11 con đường dẫn đến khách sạn này sẽ bị phong tỏa cho đến chiều Chủ nhật.
Trả lời phỏng vấn báo chí Tổng thống nói rằng ông chọn khách sạn này để “vinh danh sự dũng cảm của nhân dân Ấn Độ” và muốn nhấn mạnh đến quyết tâm của hai nước trong vấn đề chống khủng bố.
Trong 2 ngày ở Mumbai, Tổng thống Obama và phu cũng sẽ có dịp đi thăm viện bảo tàng Mahatma Ghandi, người được coi là thánh sống của Ấn Độ.
Tổng thống Obama nhìn nhận ông là một fan của Ghandi, người cũng được coi là đã lập ra nước Ấn Độ ngày nay, nổi tiếng với thuyết bất bạo động.
Cả hai phía Hoa Kỳ và Ấn Độ đều đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến đi này. Ông Arvind Subramanian thuộc Viện Phát triển Kinh tế nhận xét:
“Tổng thống Obama có quan hệ rất tốt với Thủ tướng Ấn Độ. Hai ông rất tin tưởng nhau. Tổng thống Obama xem Ấn Độ là một quốc gia đang lên, cần được thích nghi và khuyến khích. Cùng lúc Tổng thống Mỹ trông đợi Ấn Độ sẽ nhận thêm một số trách nhiệm vẫn thường đi kèm với một nước lớn. Do đó, tôi cho rằng một mặt, Ấn Độ tìm cách có được những gì mình muốn, một mặt, họ phải suy nghĩ cẩn thận để xem có thể đóng góp gì trong tư cách là một nước lớn hay không.”
Một trong những chuyện mà Ấn Độ muốn là được Hoa Kỳ ủng hộ để Ấn Độ có thể ngồi vào chiếc ghế thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Theo lời ông Rajiv Shah, Giám đốc cơ quan viện trợ Mỹ USAID, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã tạo được nền móng cho chuyến đi của Tổng thống Obama:
“Mục đích cốt lõi của chuyến đi đã được xây dựng trên nền tảng của các chuyến đi trước đây của bà Clinton. Nền tảng này cho người ta cái cảm tưởng là có thể rồi đây Hoa Kỳ và Ấn Độ sẽ phát triển quan hệ nhiều hơn, một sự phát triển mà chúng ta chưa từng thấy từ trước tới nay. Sự hợp tác giữa hai nước sẽ được dựa trên sự nhận thức về năng lực và tài năng của cả hai quốc gia, và về mặt cơ bản sẽ nối kết hai quốc gia một cách sâu đậm nhất, chưa từng thấy trong quá khứ.”
Mặc dù quan hệ giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ có vẻ như sắp phát triển mạnh mẽ và đầy hứa hẹn, chuyên viên Arvind Subramanian cảnh báo rằng có thể lập trường của hai nước vẫn còn cách biệt, khi nói đến các mục tiêu khu vực. Ông giải thích:
“Lý do mà tôi cho rằng chúng ta nên giảm bớt kỳ vọng là vì hiện tại vẫn còn một số vấn đề khu vực. Ví dụ như vấn đề giữa Afghanistan và Pakistan, vấn đề giữa Ấn Độ và Pakistan liên quan đến vùng đất Kashmir. Vì vậy, dù cả hai nước đều muốn phát triển quan hệ, tôi cho rằng Hoa Kỳ và Ấn Độ vẫn chưa nhất trí bây giờ phải làm gì trong các vấn đề khu vực này.”
Vẫn theo lời chuyên viên Arvind Subramanian, phía Ấn Độ có quan tâm là trước tình hình kinh tế yếu kém của Mỹ, các nhà làm luật Hoa Kỳ có thể áp dụng chính sách bảo hộ thị trường nội địa Mỹ, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, một lĩnh vực quan trọng cho xuất khẩu của Ấn Độ.
Nếu tình hình kinh tế khó khăn kéo dài, người Mỹ có thể chống chuyện gia công sang các nước như Ấn Độ, để giữ lại công ăn việc làm cho người Mỹ.
Chuyên viên Subramanian còn cho rằng sự thoái bộ của đảng Dân chủ Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua có thể thuận lợi cho Ấn Độ về mặt ngắn hạn:
“Tôi cho rằng trong ngắn hạn, đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội được nhiều người tại Ấn Độ xem là thuận lợi cho họ. Người Cộng hòa thường có xu hướng bảo hộ mậu dịch ít hơn người Dân chủ. Do đó, trước mắt đây là một tin tốt.”
Ông Obama là tổng thống thứ 6 của Hoa Kỳ đến thăm Ấn Độ, và là Tổng thống thứ 3 đến Ấn Độ trong vòng 20 năm qua, sau các cựu Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush.
Vào ngày thứ Hai, ông sẽ từ Mumbai đến thủ đô New Dehli của Ấn Độ để gặp Thủ tướng Manmohan Singh. Các đề tài được trông đợi thảo luận gồm có giảm bớt những hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao cho Ấn Độ, chiếc ghế thành viên thường trực của Ấn Độ tại Hội Đồng Bảo An, chống khủng bố và năng lượng sạch.
Các nhà theo dõi thời cuộc không trộng đợi đôi bên sẽ ký được những hợp đồng lớn trong chuyến đi này nhưng họ nói rằng quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ sẽ bước sang một tầm mới, thông qua các cuộc giao tiếp lần này.
Sau khi rời Ấn Độ, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ đến Indonesia, nơi mà ông đã sống 4 năm khi còn nhỏ. Sau Indonesia sẽ là Nam Triều Tiên với hội nghị các nước G20; và sau Nam Triều Tiên sẽ là Nhật Bản, nơi có hội nghị APEC.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Obama nói với báo chí mục đích chính của chuyến đi châu Á lần này là mang theo một nhóm công ty Mỹ để cố gắng xâm nhập các thị trường để xem Hoa Kỳ có thể bán những gì cho châu Á, vì khu vực này có một số thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Và nếu như các công ty Mỹ có thể bán thêm hàng hóa cho các nước châu Á thì sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người Mỹ.
Trong chuyến đi châu Á tuần này, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ ghé Ấn Độ trong 3 ngày nhằm tăng cường quan hệ với quốc gia có dân số đông thứ nhì của thế giới, và cũng là quốc gia đang có mức phát triển kinh tế to lớn, có thể là khách hàng tiềm năng quan trọng của Hoa Kỳ. Sau đây là tổng kết một dư luận xoay quanh chuyến đi này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1