Cổng ra số 3 của trạm xe điện ngầm Singil ở Seoul dường như khó có thể là một nơi để bắt đầu một cuộc cách mạng. Nhưng 75 người tự nhận là cựu binh sĩ Bắc Triều Tiên và những người đào tỵ khác đã tụ tập ở đó để thực hiện chính việc này.
Trang phục những bộ quần áo rằn ri, một số còn đeo cả súng giả trên thắt lưng, họ đứng nghiêm dưới trời mưa để phát động công cuộc tìm cách giải phóng tổ quốc vào ngày kỷ niệm lập quốc lần thứ 62.
Họ hô to các khẩu hiệu nguyền rủa Kim Jong Il.
Những người lãnh đạo nhóm mà họ gọi là Mặt trận Giải phóng Nhân dân Bắc Triều Tiên sau đó đã đọc một tuyên cáo lên án lãnh tụ Bắc Triều Tiên và dàn dựng một cuộc hành quyết giả ông ta.
Nhóm này cho biết họ sẽ dành việc lật đổ thực thụ chính phủ Bắc Triều Tiên cho những những đồng mưu mà họ nói là tay trong của họ ở trong nước. Nhóm này nói họ có liên lạc với các sĩ quan bất mãn của quân đội Bắc Triều Tiên.
Ông Namkung Young, một giáo sư về khoa chính trị học ở trường Đại học Ngoại giao Hankuk nói rằng các thành viên của nhóm này chắc chắn biết rõ hơn hầu hết những người bàng quan về tình hình bên trong Bắc Triều Tiên ra sao. Nhưng ông nói họ phải thực tiễn và biết rằng có rất ít cơ may đạt được các mục tiêu của họ trong tương lai gần đây.
Vị giáo sư này cảnh báo rằng hậu thuẫn của chính phủ Nam Triều Tiên dành cho một tổ chức như thế có thể làm cho căng thẳng với Bình Nhưỡng thêm tệ hại.
Chính phủ Nam Triều Tiên không nói nhiều về nhóm này. Một giới chức tại Bộ Thống nhất không muốn nói tên, nêu ra rằng bất cứ nhím nào đều có quyền tự do lập hội trong một quốc gia chừng nào mà nhóm này không vi phạm luật pháp. Theo ông, ngoài ra bộ không có lời bình luận nào về nhóm này.
Một số học giả Bắc Triều Tiên tỏ ra hoài nghi. Họ nêu câu hỏi rằng nếu nhóm này có cộng tác viên trong quân đội Bắc Triều Tiên thì tại sao họ lại muốn công khai tiết lộ điều đó?
Các chuyên gia về nhân quyền và nhiều chính phủ coi nước Bắc Triều Tiên nghèo khó là một trong các quốc gia áp bức nhất thế giới. Những người đào tỵ nói rằng người dân có thể bị kết án nhiều năm tù khổ sai vì chỉ trích chính phủ.
Một chuyên gia phân tích quân sự Hoa Kỳ không biết gì về một sự xác nhận độc lập đối với lời khẳng định của nhóm này rằng binh sĩ ở miền Bắc bất mãn đến độ tìm cách lật đổ chính phủ.
Bắc Triều Tiên đang chuẩn bị mở một phiên họp chính trị hãn hữu. Các chuyên gia phân tích chính trị tin rằng các đại biểu của Đảng Công nhân sẽ bầu ra các nhà lãnh đạo mới, lần đầu tiên từ 3 thập niên nay. Trong số các gương mặt mới mẻ có thể có người con thứ ba của lãnh tụ tối cao Kim Jong Un. Đó có thể là bước đầu quan trọng của ông Kim cha để chuyển quyền hành sang cho người con ít được biết tới, nghe nói khoảng 27 tuổi.
Bắc Triều Tiên cho hay các đại biểu đảng sẽ họp tại Bình Nhưỡng vào đầu tháng 9. Các buổi tập dượt đã được tổ chức, nhưng thời điểm chính xác khởi sự cuộc họp vẫn còn bao trùm bí ẩn.
Một tổ chức mới ở Nam Triều Tiên tự nhận là có hơn 100 cựu binh sĩ Bắc Triều Tiên, thề quyết chấm dứt chính phủ Bình Nhưỡng và thống nhất bán đảo Triều Tiên. Mặt trận Giải phóng Nhân dân Bắc Triều Tiên cũng nói họ có được hậu thuẫn của các thành viên hiện thời trong quân đội của quốc gia cộng sản này, nhưng các chuyên gia phân tích tỏ ra hoài nghi. Từ Seoul, thông tín viên VOA Steve Herman ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1